I. U THẬN LÀNH TÍNH
1. Nang thận
1.1. Nang thận đơn thuần (Kyste rénale simple):
Tần số mắc bệnh tăng dần theo tuổi (từ 5-10% dân số).
Về mặt tế bào học: nang được phủ bởi một lớp tế bào tuyến hình khối lập phương hoặc dẹt lòng chứa dịch trong. Thành nang mỏng, trơn và trong mờ. Có thể thấy một vài vách ngăn trong nang.
Đa số nang thận không triệu chứng biểu hiện lâm sàng, tuy nhiên những nang lớn, nang có biến chứng có thể có triệu chứng và chèn ép vào đường bài xuất và vào cơ quan lân cận.
Siêu âm: Chẩn đoán nang thận đơn thuần khi có hình ảnh khối dịch tròn hoặc bầu dục, giới hạn rõ, thành mỏng, hoàn toàn rỗng âm với hình tăng sáng phía sau rất mạnh. Vị trí thường nằm trong nhu mô hoặc dưới thanh mạc loại này thường lồi lên nhiều khỏi bờ thận đôi khi nang phát triển sâu vào vùng xoang thận gây đè đẩy các đài bể thận. Số lượng thường đơn độc đôi khi có hai, ba nang.
Ngoài các nang điển hình, một số nang có những đặc điểm khác: Thành dày, không đều, vôi hoá, vách ngăn dày hoặc có các nụ sùi. Dịch trong nang có thể trở nên không hoàn toàn trong. Các hình ảnh này có thể là biểu hiện của nang chảy máu hoặc nhiễm trùng hoặc ung thư tuyến trong nang (adénocarcinome intrakystique) hoặc đôi khi là u ác tính.
Chiến lược chẩn đoán hình ảnh đối với nang thận đơn thuần: nếu nang điển hình chỉ cần khám siêu âm là đủ. Nếu nang không điển hình nên thăm khám hình ảnh bổ sung nhất là CLVT (cắt lớp vi tính) hoặc theo dõi sát bằng siêu âm, đôi khi có thể phải chọc dò tế bào học hoặc sinh thiết.
1.2. Nang cạnh đài bể thận (Kystes parapyélique)
Các nang này phát triển trong vùng xoang thận và có nguồn gốc bạch mạch hoặc di tích của bào thai, thường nằm xen vào giữa các đài và bể thận, sát rốn thận, có thể có nhiều nang nhưng không thông với nhau và không thông với đường bài xuất.
Siêu âm: biểu hiện bằng khối cấu trúc dịch trong, tròn hoặc bầu dục nằm len lỏi vào giữa các đài và bể thận, nhưng các đài bể thận không giãn. Giới hạn giữa thành nang và phức hợp đài bể thận-mạch máu thường dày. Phân tích tương quan giữa nang và đường bài xuất tốt nhất trên các lát cắt ngang và khi bàng quang căng nước tiểu và cơ thể trong tình trạng tăng bài niệu (uống nhiều nước, dùng thuốc lợi tiểu.v.v.).
Chụp CLVT và niệu đồ tĩnh mạch (UIV) chỉ áp dụng đối với những nang không điển hình. Nang thận không ngấm thuốc cản quang trên các phim CLVT sau khi tiêm thuốc cản quang và trên các phim UIV.
1.3. Nang thận có nhiều khoang (Kyste multiloculaire du rein)
Đây là một tổn thương nang thận hiếm gặp, một bên, đơn độc, nhiều khoang không thông nhau và không thông với đường bài xuất. Kích thước nang thay đổi và thành nang được lót bởi một lớp tế bào biểu mô. Không có thành phần của thận trong cấu trúc nang. Toàn bộ tổn thương nang này được bọc trong một vỏ bọc mỏng thường bị vôi hoá (7/13 các trường hợp) Nguồn gốc chưa rõ, vì vậy loại nang này có nhiều tên khác nhau: U thận dạng nang lành tính (néphrome kystique bénin), u cơ trơn dạng nang (harmatome kystique), u bạch mạch dạng nang (lymphangiome kystique), thận đa nang khu trú (polykystose ou multikystose segmentaire).v.v.
Siêu âm: hình siêu âm là một khối gồm nhiều nang cách biệt nhau bởi các vách ngăn kích thước thay đổi từ 2-3 cm tới 10cm. Tuy nhiên, đôi khi có những vùng tổ chức đặc ít âm xen lẫn với vùng nang. Đối với loại này chẩn đoán phân biệt với các tổn thương ác tính dạng nang thường khó khăn, ngay cả với chụp CLVT và chụp mạch máu, lúc này đòi hỏi chọc dò hút dịch làm tế bào.
Chẩn đoán phân biệt với thận đa nang: Nang thận có nhiều khoang thường hiếm, các nang chỉ khu trú ở một vùng của thận và chỉ có ở một bên.
1.4. Bệnh thận đa nang (la maladie polykystique du rein)
Tổn thương cả hai thận, có rất nhiều nang, kích thước khác nhau, nằm ở vùng nhu mô cũng như vùng xoang thận. Tổn thương này thường hay đi kèm theo sỏi thận, sỏi có thể nằm trong nhu mô, trong các đài hay trong bản thân các nang. Chính các sỏi này thường gây nên nhiễm trùng, chảy máu trong nang hoặc những cơn đau quặn thận.
Bệnh thận đa nang thường hay đi kèm theo nang ở các tạng khác: gan 30% các trường hợp), tuỵ (10%).
Đặc biệt, thận đa nang mắc phải hay gặp ở những bệnh nhân thẩm phân lọc máu sau vài năm tiến triển:1/3 các bệnh nhân lọc máu.
Siêu âm: Chiếm toàn bộ hai thận có các nang, nằm trong vùng nhu mô, xen kẽ vào giữa các tổ chức đài và bể thận, dịch trong nang trong, các vách mỏng. Các nang này không thông nhau và không thông với đường bài xuất.
Chẩn đoán phân biệt với thận ứ nước: cần khám với nhiều bình diện khác nhau để chắc chắn các khoang chứa dịch không thông nhau, còn các đài thận không giãn hoặc ứ nước nhẹ nằm lẻn lỏi vào giữa các khoang dịch trong thận đa nang.
1.5. Loạn sản thận đa nang một bên
Thận teo nhỏ, có dạng một tích tụ các nang với các vách ngăn xơ, thành thường dày. Chúng thường phát hiện tình cờ ở người lớn nhưng hay gặp nhất là ở trẻ còn bú. Thận bên đối diện to hơn bình thường do làm việc bù.
2. U đặc lành tính ở thận
2.1. Các khối u trung mô lành tính
2.1.1. U mạch máu – cơ – mỡ (angiomyolipome)
Tổ chức khối u gồm các tế bào mỡ, cơ trơn và các mạch máu. Hiếm gặp và phụ nữ nhiều hơn nam giới. Thường có một khối và một bên thận. Kích thước thường thay đổi có khi nhỏ 2-3cm đường kính nhưng có khi cũng lên tới 9-10cm.
Trong trường hợp bệnh Bourneville hay bệnh xơ cứng củ (sclérose tubéreuse de Bourneville) là một bệnh di truyền, tổn thương biểu hiện ở nhiều cơ quan: trong sọ (thường nằm cạnh các não thất), hố mắt, tại tim, phổi và đặc biệt dưới da. Tổn thương biểu hiện tại thận khoảng 40-80% và có đặc điểm là nhiều khối, hai bên và kích thước nhỏ.
Lâm sàng: thường không có triệu chứng, trừ khi có chảy máu trong u hoặc chảy máu quanh thận.
Siêu âm:
– Khoảng 60% loại u này biểu hiện bằng khối tăng âm mạnh, giới hạn rõ, nằm trong vùng vỏ thận và có thể lồi lên khỏi bờ thận. Bờ khối đôi khi không nét nhất là khi có chảy máu quanh khối u. Trung tâm khối có thể có những vùng giảm âm hơn tương ứng vùng tổ chức cơ hoặc mạch máu hoặc chảy máu khu trú.
– Khoảng 20% khối u có cấu trúc âm hỗn hợp do chảy máu nhiều trong và quanh khối u.
– Khoảng 20% khối u có cấu trúc tăng âm hơn nhu mô thận nhưng ít âm hơn vùng xoang thận.
Hình tăng âm của angiomyolipome liên quan đến số lượng lớn các bề mặt phân cách giữa các thành phần khác nhau và tổ chức mỡ trong khối.
Chẩn đoán phân biệt: 5% ung thư tuyến của thận có cấu trúc tăng âm. Việc chẩn đoán dựa vào: CLVT, theo dõi tiến triển bằng siêu âm.
CLVT: Đây là phương pháp tốt để chẩn đoán angiomyolipome. Khối u có giới hạn rõ với những dải tỷ trọng mỡ, những dải mạch máu tăng tỷ trọng mạnh và những dải tổ chức cơ bắt thuốc cản quang ít hơn sau khi tiêm thuốc cản quang. Tỷ lệ các cấu trúc này thay đổi. Ngoài ra, CLVT còn cho thấy rõ sự chảy máu trong và quanh khối u bằng những vùng tăng tỷ trọng tự nhiên.
2.1.2. U bạch mạch (lymphangiome)
Là một loại u hiếm gặp, kích thước lớn, có vỏ bọc, nhiều nang với thành mỏng. Hình ảnh siêu âm giống như nang thận nhiều khoang. Ngoài biểu hiện ở thận có thể thấy quanh thận, sau phúc mạc và trung thất.
2.1.3. U cơ trơn và u mỡ
Đây là những loại u rất hiếm, vì đến năm 1975 mới có 50 trường hợp được công bố trên thế giới. Các loại u này gặp ở nữ nhiều hơn nam và ở những người cao tuổi. Trên siêu âm loại u này biểu hiện bằng khối ít âm không có tăng sáng phía sau.
2.2. Các khối u biểu mô lành tính.
2.2.1. U tuyến (adénome).
Là những khối u có nguồn gốc tế bào biểu mô gai hoặc ống. Kích thước thường rất bé, không có triệu chứng lâm sàng thường phát hiện tình cờ do siêu âm thận trong một bệnh cảnh nào đó.
Trên siêu âm u tuyến có hình khối giới hạn rõ, ít hoặc đồng âm với nhu mô thận. Không có tiêu chuẩn nào của chẩn đoán hình ảnh kể cả CLVT để phân biệt u tuyến lành tính và ung thư tế bào tuyến cũng như di căn thận. Tuy nhiên, người ta coi một khối u < 3cm đường kính, không có di căn, không có xâm lấn xung quanh là u tuyến lành tính; giả thiết này nhiều khi không chắc chắn. Khi phát hiện hình ảnh u loại này cần theo dõi sát bằng siêu âm hoặc chọc sinh thiết để có chẩn đoán xác định.
2.2.2. U tế bào lớn Hamperl (oncocytome)
Là loại u tế bào tuyến của ống lượn gần. Chúng chiếm 5% các khối u nguyên phát của thận và 10% các khối u nhỏ hơn hoặc bằng 3cm ở thận. U thường không bị hoại tử, không bị vôi hoá, không chảy máu.
Hình siêu âm: Khối đồng âm với nhu mô thận, trung tâm khối thường ít âm hơn do các sẹo xơ hình sao. Trên siêu âm Doppler hoặc chụp mạch máu thấy hình mạch máu hội tụ về trung tâm như hình nan hoa bánh xe.
2.2.3. Các hình giả u ở thận
Bên cạnh các loại u thực sự của thận còn có những hình giả u, trong số đó có thể kể đến:
– Phì đại cột bertin, đây là một bất thường bẩm sinh không phải bệnh lý được biểu hiện bằng khối nằm xen vào giữa các tháp lồi vào trong vùng xoang thận, có cấu trúc âm giống cấu trúc vỏ thận và liên tục với vỏ thận, đồng thời không làm biến dạng hình thể thận kể cả vùng bờ thận tương ứng.
– Sự lồi của lưỡi trên vào vùng rốn thận tương ứng với sự phì đại tổ chức vỏ thận bình thường của rốn thận. Nó biểu hiện trên siêu âm bằng sự dày vỏ thận khu trú của vùng trên rốn thận (lưỡi trên).
– Tồn tại thuỳ bào thai bờ thận có nhiều hình vòng cung lồi lên, nhưng nhu mô thận và xoang thận bình thường.
– Thận lưng lạc đà chiếm khoảng 10% thận bên trái, bờ thận lồi lên như hình lưng lạc đà nhưng trên siêu âm không thấy sự dày lên của nhu mô thận.
– Những nhân tái tạo trên thận bệnh lý tương ứng với những nhân phì đại bù trừ bên cạnh những vùng bệnh lý của thận (viêm thận bể thận mãn tính, thiểu sản từng vùng hoặc tổn thương mạch máu thể nhồi máu). Chẩn đoán siêu âm cũng như chụp niệu đồ tĩnh mạch nhiều khi gặp khó khăn vì nhu mô thận không đồng đều; nhiều khi đòi hỏi chụp CLVT hoặc chụp mạch máu để khẳng định chẩn đoán.
– Xơ mỡ vùng xoang thận (la fibrolipomatose du sinus du rein)
Là biểu hiện của nhiều tổ chức mỡ trong vùng xoang thận. Hình siêu âm có 3 dạng:
+ Khi tổ chức mỡ ít chỉ biểu hiện trên siêu âm bằng sự tách biệt bình thường của âm vùng xoang thận.
+ Khi tổ chức mỡ nhiều sẽ xuất hiện nhiều khối nhỏ bầu dục, ít âm nhưng đặc xen vào giữa các tổ chức xoang thận.
+ Khi các u mỡ vùng xoang thận rất nhiều sẽ tạo nên những khối u mỡ thực thụ. Biểu hiện bằng các u đặc ít âm đẩy tách các cấu trúc âm xoang thận và vươn sâu vào vùng vỏ như hình ngón tay đeo găng.
II. U THẬN ÁC TÍNH
U thận ác tính chiếm 2% các khối u ác tính. Về phương diện giải phẫu bệnh lý, ung thư thận ở người lớn chủ yếu là adénocarcinome (85-90% các trường hợp); các khối u đường bài xuất chiếm khoảng 10%; và 5% là sarcome thận; ung thư nguyên bào thận ít gặp ở người lớn nhưng hay gặp ở trẻ con. Siêu âm có vai trò quan trọng trong phát hiện và chẩn đoán các khối u ác tính của thận, nhưng trong những trường hợp không điển hình cần phối hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh áp dụng trong U thận ngoài siêu âm bao gồm:
Chụp hệ tiết niệu không chuẩn bị có thể cho thấy các vôi hoá trong u chiếm khoảng 7-15% các trường hợp. Ngoài ra có thể thấy bóng thận to ra, di căn xương.v.v.
Chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV) cho phép chẩn đoán khoảng 50% các trường hợp u ác tính ở thận. Trong 10-15% các trường hợp có biểu hiện thận câm. Còn lại biểu hiện của u thận ác tính trên phim UIV là những hình cắt cụt các đài thận, hình khuyết trong đài bể thận và hình đè đẩy các đài bể thận.
CLVT ngoài việc chẩn đoán xác định các khối u, còn cho phép đánh giá sự lan rộng của khối u tới lớp mỡ quanh thận (giai đoạn II), vượt qua các cân quanh thận (giai đoạn III), tới các cơ quan lân cận, tới các khối cơ lưng, và cuối cùng để phát hiện các hạch bệnh lý và di căn tới gan (12% các trường hợp).
Chụp mạch máu: nó có tác dụng đánh giá sự lan rộng của khối u khi CLVT không rõ ràng. Tuy nhiên, chụp mạch máu kém nhạy hơn chụp CLVT trong phát hiện sự lan rộng ra quanh thận và di căn hạch, nhưng tốt hơn trong đánh giá sự thâm nhiễm khối u hoặc huyết khối tĩnh mạch. Ngoài ra chụp mạch máu còn có vai trò trong làm tắc mạch thận ở một số trường hợp trước khi phẫu thuật hoặc cầm máu trong những trường hợp chảy máu nặng.
1. Ung thư biểu mô tuyến (adénocarcinome)
Hay còn gọi ung thư tế bào sáng hoặc khối u Grawitz.
Về mặt đại thể đây là loại u bắt nguồn đầu tiên trong vỏ thận và làm biến dạng rất nhanh bề mặt của thận. Sự tăng thể tích nhanh của nó thường gây chảy máu và hoại tử trong khối u. Đồng thời, loại u này cũng có thể bị vôi hoá.
1.1. Ung thư biểu mô tuyến thể điển hình.
Giai đoạn sớm: khối u biểu hiện là một khối tròn giới hạn rõ làm biến dạng bờ thận và đè đẩy vào vùng xoang thận, đồng thời một vùng của thận to ra. Những khối u nằm ở trung tâm có thể làm giãn các đài thận ở thượng lưu. Cấu trúc âm của ung thư biểu mô tuyến rất thay đổi:
– Đồng âm với nhu mô thận là hay gặp nhất chiếm khoảng 45-60
– Ít âm: khoảng 10- 40%
– Tăng âm hơn nhu mô thận chiếm khoảng 5-20
– Trong vùng khối u cũng có thể thấy những vùng rỗng âm do hoại tử hoặc do chảy máu.
Giai đoạn muộn: khối u đã có kích thước lớn thường có dấu hiệu điển hình: Thận bị biến dạng, khối giới hạn rõ đè đẩy nhiều vào vùng xoang thận phá vỡ bờ thận và xâm lấn ra xung quanh, nhất là xâm lấm vào lớp mỡ quanh thận làm mất viền tăng âm bao quanh thận của lớp mỡ này; xâm lấn sang thành sau làm mất hoặc giảm sự di động của thận theo nhịp thở.
1.2. Ung thư biểu mô tuyến thể không điển hình.
Có nhiều thể ung thư biểu mô tuyến khó chẩn đoán liên quan đến kích thước, số lượng, vị trí, biểu hiện lâm sàng của khối u hoặc cấu trúc âm:
1.2.1. Các khối u nhỏ:
Thường khó chẩn đoán phân biệt với các khối u đặc lành tính cũng như những thay đổi bình thường giống u của thận, nhất là với phì đại cột Bertin. Trong những trường hợp này chiến lược chẩn đoán hình ảnh là theo dõi sự tiến triển của khối u trên siêu âm hoặc chụp CLVT hoặc chụp mạch máu.
1.2.2. Khối u quá lớn:
Có hai vấn đề có thể đặt ra: một mặt là cần chẩn đoán phân biệt giữa u thận và u sau phúc mạc ngoài thận, mặt khác khi khối u đã phá huỷ hết toàn bộ thận việc xác định nguồn gốc của khối u trên siêu âm nhiều khi khó khăn cần nhờ đến CLVT hoặc chụp mạch máu.
1.2.3. Nhiều khối u trên một thận (chiếm khoảng 5%), hoặc cả hai thận (1%).
1.2.4. U thận hoại tử nhiều:
Biểu hiện là một khối dịch với thành dày không đều, xen lẫn với các khối đặc ở vùng sát với nhu mô thận. Chẩn đoán phân biệt nhiều khi phải dựa và chọc tế bào hoặc CLVT hoặc chup mạch máu.
1.2.5. U phát triển trong lòng nang thận:
Thường hiếm (dưới 1% các trường hợp ung thư thận). Biểu hiện bằng khối nang dịch trong thành mỏng, nét kèm theo các nụ tổ chức đặc bám vào thành nang không di chuyển khi thay đổi tư thế bệnh nhân. Chọc hút nang để chẩn đoán có thể thấy tế bào ác tính hoặc thấy lượng lipide và protéine tăng trong trường hợp có u ác tính phát triển trong nang.
1.2.6. Thể thâm nhiễm:
Thường khó chẩn đoán, nó biểu hiện bằng thận to toàn bộ, bờ thận biến dạng, nhu mô dày đè ép bất thường vào vùng xoang thận.
1.2.7. Thể nhiều vôi hoá:
Thường khó thăm khám do các khối vôi hoá cản trở. Nhiều khi cần đến CLVT.
2. Các khối u đường bài xuất:
Chiếm khoảng 6-12% các trường hợp ung thư thận, thường chỉ lan rộng khu vực, ít khi di căn. Tuy nhiên, những khối u biểu mô tuyến của tế bào chuyển tiếp thường hay di căn hạch hoặc tạng (gan, phổi). Nam gặp nhiều hơn nữ.
Siêu âm:
Khi hệ thống đài bể thận giãn: khối u biểu hiện bằng các nụ sùi đặc nằm trong lòng các đài bể thận, có nước tiểu bao quanh trừ vùng khối u bám vào thành. U không di động theo sự thay đổi tư thế bệnh nhân. Những khối u nằm trong niệu quản thường gây giãn đài bể thận sớm và niệu quản bị lấp đầy bởi tổ chức đặc. Chẩn đoán phân biệt với các cục máu đông nhiều khi khó khăn, nhất là trong trường hợp có kèm theo đái máu trên lâm sàng. Nhiều trường hợp cần kết hợp với CLVT.
Khi đài bể thận chưa giãn: khối u chỉ có thể nhìn thấy trên siêu âm với kích thước khoảng 4-6mm. Ở giai đoạn này khối u biểu hiện là một khối đặc nằm trong vùng xoang thận. Khi khối u nằm trong một đài thận thì đáy đài này thường giãn. Khi khối u lan rộng trong đường bài xuất nó lấp đầy các đai thận rồi đến bể thận tạo nên một tổ chức có cấu trúc âm phân nhánh từ bể thận giống như hình các ngón tay đeo găng. Giai đoạn này cũng cần chẩn đoán phân biệt với các cục máu đông hoặc mủ trong đường bài xuất.
3. Ung thư tổ chức liên kết thận (Sarcome thận):
Rất hiếm. Trên siêu âm biểu hiên bằng khối đặc không có dấu hiệu siêu âm đặc hiệu, hay gặp là khối ít âm đồng nhất, giới hạn rõ. U sarcome tiến triển nhanh, di căn nhanh tới hạch, tái phát nhanh sau mổ.
Về mặt tổ chức học: hay găp nhất là ung thư tổ chức xơ (fbroarcome) chiếm 34%, ung thư cơ trơn (leiomyosarcome) 31%, ung thư tổ chức mỡ (liposarcome) 20%.
4. Ung thư nguyên bào thận(Néphroblastome):
Đây là khối u ác tính nguồn gốc bào thai của thận, phát triển từ tế bào mầm hậu thận. 80% xuất hiện ở trẻ 5 tuổi, ít khi gặp ở người lớn. Khoảng 4% có cả hai bên thận. Nó biểu hiện bằng khối đặc, giới hạn rõ, cấu trúc âm thay đổi, có khoang 3 -14% các trường hợp bị vôi hoá.
5. Di căn thận:
Các ung thư hay di căn đến thận theo thứ tự: phế quản, vú, dạ dày, ung thư da.v.v. 75% xuất hiện cả hai thận.
Siêu âm: thường không điển hình có thể có cấu trúc khối kích thước nhỏ, tăng hoặc ít âm. Tuy nhiên, cũng có thể di căn dạng thâm nhiễm chỉ biểu hiện bằng thận to, mất phân biệt vỏ – tuỷ thận. Chẩn đoán nhiều khi khó khăn đòi hỏi phối hợp với CLVT, chup mạch máu, chọc tế bào hoặc sinh thiết.
6. U bạch huyết ở thận:
U bạch huyết nguyên phát ở thận rất hiếm nhưng thứ phát lại hay gặp sau các cơ quan tạo huyết.
Tổn thương này biểu hiện trên siêu âm bằng những khối ít âm hơn nhu mô thận. Hiếm hơn có thể thấy thể thâm nhiễm với thận to ra, cấu trúc âm không đều, mất phân biệt vỏ-tuỷ hoặc giảm hay mất phân biệt cấu trúc âm giữa nhu mô và vùng xoang thận.
7. Sự lan rộng của ung thư thận:
Robson phân ung thư thận thành 4 giai đoạn:
– Giai đoạn I: Khối u tiếp giáp với bao thận
– Giai đoạn II: U vượt qua bao thận tới lớp mỡ quanh thận, nhưng chưa tới cân thận.
– Giai đoạn III: Lan rộng tới tĩnh mạch thận hoặc di căn hạch
– Giai đoạn IV: Lan rộng tới tạng lân cận hoặc di căn xa.
Với giai đoan 1 tỷ lệ sống tới 5 năm khoảng 65% còn giai đoạn IV chỉ có 10%.
7.1. Lan rộng trực tiếp
Khối ung thư lan sang các tổ chức quanh thận, thâm nhiễm vào các tổ chức mỡ quanh thận phá huỷ tổ chức này; biểu hiện trên siêu âm là làm mất đoạn viền tăng âm của lớp mỡ quanh thận; Trên CLVT dấu hiệu này dễ phát hiện hơn. Hoặc khối u có thể lan rộng trực tiếp sang gan, sang tổ chức cơ phía sau, nhất là cơ đái chậu. Trong trường hợp này thận mất sự di động theo nhịp thở so với các tạng này.
7.2. Lan rộng sang hạch
Đây là yếu tố có ý nghĩa tiên lượng. Các cấu trúc hạch bệnh lý biểu hiện dưới dạng khối tròn hoặc bầu dục nằm tách biệt nhau hoặc taọ thành khối nhiều thuỳ; các khối này nằm quanh rốn thận, quanh động mạch chủ hoặc tĩnh mạch chủ bụng.
7.3. Lan rộng theo đường tĩnh mạch
– 78% các trường hợp ung thư thận có lan rộng sang đường tĩnh mạch
– 5-10% lan sang tĩnh mạch chủ bụng, nhất là thận phải.
– Sự lan rộng này có thể biểu hiện:
+ Các nụ sùi vào lòng mạch có cấu trúc âm giống cấu trúc âm của khối u ở thận.
+ Huyết khối trong lòng mạch. U thận phải thường hay có huyết khối trong tĩnh mạch chủ dưới hơn u thận trái do tĩnh mạch thận phải ngắn hơn. Đôi khi huyết khối có thể lên tới nhĩ phải.
7.4. Lan rộng xa (di căn)
Ung thư thận, nhất là ung thư Grawitz, có thể di căn tới:
– Sang thận bên đối diện: khối u cả hai thận có thể nguyên phát hoặc di căn, có khoảng 0,5-1,5% được chẩn đoán bằng các phương pháp hình ảnh; 27,5% các trường hợp thấy khi mổ xác.
– Di căn gan:
– Di căn tuyến thượng thận: có thể một hoặc hai bên
– Di căn phúc mạc: biểu hiện dịch trong ổ bụng, dày phúc mạc, hay gặp ở vung tiểu khung.
Tóm lại, Siêu âm có vai trò quan trọng trong phát hiên sự hiện diện của u thận. Tuy không có dấu hiệu siêu âm đặc thù cho từng loại ung thư thận, nhưng phân tích hình ảnh siêu âm một cách tỷ mỷ có thể định hướng được tính chất ác tính của khối u. Trong những trương hợp nghi ngờ có thể theo dõi tiến triển của khối u trên siêu âm hoặc kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV), CLVT, chụp mạch máu để xác định chẩn đoán tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của từng bệnh nhân./.