Mục lục
- 1. Lát cắt siêu âm gan qua dọc động mạch chủ
- 2. Cắt dọc qua tĩnh mạch chủ dưới
- 3. Cắt dọc qua đường giữa đòn phải
- 4. Các lát cắt dọc qua đường nách
- 5. Cắt ngang gan trái
- 6. Cắt quặt ngược từ dưới bờ sườn phải trong mặt phẳng của các tĩnh mạch gan
- 7. Các lát cắt qua rốn gan
- 8. Lát cắt chéo theo trục của tĩnh mạch cửa
- 9. Các lát cắt siêu âm gan vuông góc tĩnh mạch cửa
- 10. Lát cắt dọc và cắt ngang túi mật
Lát cắt siêu âm gan gồm 10 lát cắt cơ bản. Các lát cắt này giúp định khu giải phẫu của gan trên siêu âm dựa vào các mốc mạch máu và một số cấu trúc giải phẫu hằng định khác
1. Lát cắt siêu âm gan qua dọc động mạch chủ
– Lát cắt này đi từ trước ra sau qua động mạch chủ bụng cho phép thấy phân thuỳ bên trái bao gồm hạ phân thuỳ II, III. Hai hạ phân thuỳ này cách nhau bởi một nhánh tĩnh mạch cửa và hạ phân thuỳ II nằm trên phía cơ hoành, hạ phân thuỳ III nằm dưới phía mỏm gan.
– Lát cắt dọc này cho phép đo gan trái (hình ) trong đó chiều dọc gan trái không quá 8cm và chiều dày không quá 5cm, góc dưới gan trái không quá 45 độ [theo F. Weill].
– Phía sau dưới gan trái là đuôi tuỵ, động mạch thân tạng và động mạch mạc treo tràng trên.
2. Cắt dọc qua tĩnh mạch chủ dưới
– Đi từ trước ra sau qua tĩnh mạch chủ dưới cho thấy phân thuỳ IV và phân thuỳ I. Phân thuỳ I nằm phía trước tĩnh mạch chủ dưới và sau nhánh trái tĩnh mạch cửa trái.
– Trên lát cắt này có thể xác định tỷ lệ giữa phân thuỳ I và gan trái, tỷ lệ này đối với người bình thường là A/B <0,35[Seitz].
– Trên lát cắt này nếu nghiêng nhẹ đầu dò sang trái sẽ thấy rãnh Arantius phân tách phân thuỳ I và phân thuỳ IV.
3. Cắt dọc qua đường giữa đòn phải
– Qua gan phải, túi mật và thận phải, cho thấy toàn bộ gan phải với phân thuỳ trước và phân thuỳ sau cách nhau bởi tĩnh mạch gan phải. Hạ phân thuỳ V gần túi mật, hạ phân thuỳ VI gần thận phải, hạ phân thuỳ VII và VIII sát vòm hoành.
– Ngoài ra lát cắt này thường dùng để đo kích thước gan phải với chiều dọc (hay chiều cao) = 10,5 1,5cm, chiều dày (chiều sâu) = 8,1 1,9cm và góc dưới gan phải 750 [F. Weill và Niederau]. Lát cắt này cũng có thể thấy khoang Morrisson khi có dịch trong khoang phúc mạc.
4. Các lát cắt dọc qua đường nách
– Theo mặt phẳng chính diện cho thấy rõ vòm hoành, phân thuỳ sau gan phải, liên quan thận phải-gan và khoang Morrisson.
5. Cắt ngang gan trái
– Theo trục của nhánh tĩnh mạch trái tĩnh mạch cửa và cắt quặt ngược từ dưới bờ sườn phải qua nhánh phải tĩnh mạch cửa để nghiên cứu nhu mô, đường mật gan trái và phải
6. Cắt quặt ngược từ dưới bờ sườn phải trong mặt phẳng của các tĩnh mạch gan
– Lát cắt này cho thấy rõ 3 tĩnh mạch gan và hợp lưu của chúng với tĩnh mạch chủ dưới từ đó nó cho phép phân chia các thuỳ và hạ phân thuỳ gan trái và phải từ II đến VIII Phân thuỳ I sẽ thấy trên lát quặt ngược thấp hơn đi qua phân thuỳ này. Lúc đó, phân thuỳ I nằm tách biệt với phân thuỳ IV ở phía trước qua nhánh trái tĩnh mạch cửa và với hạ phân thuỳ II qua rãnh Arantius.
7. Các lát cắt qua rốn gan
– Để khảo sát cuống gan người ta thường hay để bệnh nhân nằm nghiêng trái để vùng này gần với đầu dò hơn.
8. Lát cắt chéo theo trục của tĩnh mạch cửa
– Thông thường lát cắt đi từ trước ra sau theo trục của một đường thẳng kẻ từ rốn vuông góc với điểm giữa của bờ dưới sườn phải nhằm mục đích nghiên cứu cuống gan. Trên lát cắt này thấy tĩnh mạch cửa nằm sau đường mật ngoài gan và dộng mạch gan riêng nằm phía trong của đường mật. Nếu tiếp tục theo lát cắt này xuống thấp sẽ thấy ống mật chủ bắt chéo tĩnh mạch cửa ở vùng hợp lưu để đổ vào tá tràng.
9. Các lát cắt siêu âm gan vuông góc tĩnh mạch cửa
– Nhằm mục đích khảo sát cuống gan theo bình diện ngang của nó. Trên các lát cắt này cho thấy đường mật nằm phía trước ngoài và động mạch gan riêng nằm phía trước trong tĩnh mạch cửa.
10. Lát cắt dọc và cắt ngang túi mật
– Nhằm mục đích khảo sát túi mật. Tuy nhiên, túi mật nhiều khi được thấy rõ hơn qua các lát cắt trên sườn chếch xuống phía dưới tới vị trí túi mật.