[Bộ Y tế] Triệu chứng học hình ảnh hệ tiết niệu

1. MỘT SỐ BẤT THƯỜNG BẨM SINH BỘ MÁY TIẾT NIỆU

1.1. Bất thường thận

1.1.1. Bất thường về số lượng

– Tăng số lượng: Thận phụ, một bên có thể có hai thận.

– Giảm số lượng: Do thận không phát triển, có thể một bên teo hoàn toàn, thận bên còn lại phì đại do hoạt động bù, có thể teo cả hai thận.

1.1.2. Bất thường kích thước thận

– Thận tăng kích thước cân đối khi không có thận bên đối diện hoặc thận đối diện bị hỏng.

– Thận giảm kích thước:
+ Bất sản thận (aplasie): Mầm thận xơ hoá không phát triển, không thấy hiện hình thận trên siêu âm, UIV, CLVT.
+ Loạn sản thận (dysplasie): Thận nhỏ kèm một số bất thường cấu trúc.
+ Thiểu sản thận (hypoplasie): Giảm tất cả kích thước thận một cách cân đối.
+ Thiểu sản thuỳ thận (hypoplasie segmentaire): Có hình ngấn lõm sâu ở bờ thận đối diện với đáy đài thận lồi ra. Bất thường này có thể ở một thuỳ hay nhiều thuỳ thận, có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.

1.1.3. Bất thường liên quan đến sự di chuyển, dính nhau

– Bất thường quay của thận (quay không hoàn toàn 90 độ, 180 độ theo trục dọc của thận…). Các thận có bất thường quay thường có nhiều động mạch cấp máu.
– Thận lạc chỗ: Có thể thận trong lồng ngực, thận chậu hông hay hai thận cùng bên, thận giao nhau…
– Thận dính nhau hình móng ngựa (dính nhau bằng nhu mô hay bằng tổ chức xơ). Phần dính nhau hay gặp ở cực dưới, trước cột sống làm hai cực trên thận xa nhau, hai cực dưới xa nhau. Thận móng ngựa thường có nhiều động mạch cấp máu.
– Thận lạc chỗ nhưng dính nhau: Thận hình cái bánh san-đuých.

1.2. Bất thường đường bài xuất

1.2.1. Bất thường đài thận

– Túi thừa đài – bể thận, dễ gây ứ đọng dẫn đến nhiễm trùng sỏi trong túi thừa… Trên siêu âm thấy hình túi dịch thường tròn, nhẵn thông với đài thận hoặc bể thận. Hình ảnh này thấy rõ trên chụp UIV.

– Đài thận to, nhiều, giãn bẩm sinh thường do giảm kích thước của tháp Malpighi.
– Bệnh Cacci – Ricci do giãn các ống góp trước đài thận, có thể có ở một bên hay cả hai bên, một số đài hay nhiều đài. Bệnh này còn gọi là bệnh thận xốp, hay có biến chứng nhiễm trùng, dần dần vôi hoá tạo hình vôi hoá các tháp thận, hay có sỏi trong ống thận.

1.2.2. Bất thường bể thận, niệu quản

Đường bài xuất chẽ đôi hoàn toàn hay không hoàn toàn: Thận có đường bài xuất đôi có thể không có biểu hiện bệnh lý nhưng nếu có thì hay gặp:

– Đường bài xuất của thận trên hay có trào ngược bàng quang niệu quản, niệu quản hay dài, đổ thấp, lạc chỗ, hay có sa lồi niệu quản.

– Đường bài xuất của thận dưới hay có bệnh lý sỏi, hội chứng hẹp vị trí nối…

Không có niệu quản hay niệu quản tịt: Hay gặp trong thận teo không phát triển.

Bất thường đường đi của niệu quản: Niệu quản đi sau tĩnh mạch chủ dưới.
Bất thường khẩu kính niệu quản: Niệu quản to bẩm sinh.

Sa lồi niệu quản:

– Sa lồi niệu quản bẩm sinh: Thường phát hiện được sớm ngay từ khi trẻ mới sinh, hay gặp ở đường bài xuất của thận trên trong bất thường thận đôi hoàn toàn. Lỗ niệu quản thường lạc chỗ đổ thấp gần cổ bàng quang. Trong trường hợp lỗ niệu quản hẹp nặng túi sa lồi thường tạo nên hình khuyết thành bàng quang với bờ nhẵn trên UIV. Thận trên thường không hoạt động (câm). Khi thận này còn chức năng dần dần túi sa lồi sẽ đầy thuốc.

– Sa lồi niệu quản ở người lớn: Hình thành do thoát vị niệu quản vào bàng quang nên thành túi sa lồi là thành niệu quản. Thường thấy ở một niệu quản, lỗ niệu quản đổ vào bàng quang có vị trí bình thường. Lỗ niệu quản bị xơ hóa, chít hẹp tùy mức độ, đoạn niệu quản dưới niêm mạc bàng quang thường ngắn hay kèm trào ngược bàng quang-niệu quản.
Hội chứng hẹp vị trí nối (Syndrome de la jonction).

Túi thừa niệu quản.

1.2.3. Bất thường bàng quang niệu đạo

Có thể gặp: Túi thừa bàng quang, túi thừa ouraque, bàng quang đôi, hở bàng quang ra ngoài thành bụng, hẹp niệu đạo, van niệu đạo, hai niệu đạo, túi thừa niệu đạo…

2. MỘT SỐ RỐI LOẠN CHỨC NĂNG THẬN

2.1. Bất thường bài tiết

Chậm bài tiết của một thận so với thận bên đối diện thường gặp trong hai tình huống chính:

2.1.1. Bít tắc đường bài xuất thuốc cản quang
Trong bít tắc đường bài xuất, chậm bài tiết của thận là một trong những dấu hiệu chẩn đoán và tiên lượng bệnh. Bài tiết có thể rất chậm sau vài chục phút hay nhiều giờ. Cần cân nhắc chụp các phim muộn cho phù hợp.

2.1.2. Hẹp động mạch thận
Thận bên động mạch bị hẹp thường nhỏ, chậm bài tiết.

2.2. Bất thường bài xuất thuốc cản quang

chụp xquang hệ tiết niệu có chuẩn bị. Nguồn radiopaedia

2.2.1. Bài xuất nhanh

Trên UIV thấy đài bể thận mờ nhạt, khó nhìn, nếu ép niệu quản sẽ nhìn rõ hơn.

2.2.2. Bài xuất chậm

Thông thường khi có bít tắc, do có sẵn nước tiểu trên vị trí bít tắc với áp lực cao nên thuốc cản quang chậm hoà tan làm chậm hiện hình các đài bể thận và niệu quản trên vị trí tắc. Nếu không có bít tắc mà do giảm trương lực các đài bể thận và niệu quản thì sự hiện hình của đường bài xuất trên và bàng quang vẫn diễn ra nhưng chậm.

2.2.3. Thận không hoạt động

Thận không bài tiết (câm), không thấy đường bài xuất hiện hình ngay cả khi chụp chậm sau 24 giờ. Thận câm thường gặp trong:

– Bít tắc đường bài xuất lâu ngày với nhiều nguyên nhân như: Sỏi, u, u ngoài chèn ép xâm lấn… Tuỳ theo trường hợp cụ thể có thể chọn lựa các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để thăm dò (siêu âm, UPR, CLVT, chụp bể thận niệu quản qua da…).

– Mất cấu trúc thận: Do ứ nước lâu ngày, ứ mủ, viêm nhiễm, u…

– Nguyên nhân mạch máu: Huyết khối động tĩnh mạch thận (chẩn đoán bằng chụp mạch, siêu âm, cắt lớp thì động mạch).

– Thận không phát triển: Thận bên đối diện hoạt động bù tăng kích thước.

3. BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG VÀ ĐƯỜNG BỜ THẬN

3.1. Ngấn lõm bờ thận

Các ngấn lõm có thể nông hoặc sâu do nhiều nguyên nhân:

– Bẩm sinh: Tồn tại thận múi thời kỳ bào thai, trong một số trường hợp bất thường này sẽ mất sau 5 tuổi. Hình ngấn lõm thường chỉ vào cột Bertin.

– Viêm thận bể thận mạn tính: Ngấn lõm chỉ vào đáy đài, đài thận lồi ra hình chuỳ, mô thận tương ứng mỏng đi.

3.2. Teo nhu mô thận
Teo nhu mô thận thường do nguyên nhân mạch máu hay viêm thận bể thận, thiểu sản thuỳ thận, sẹo sau chấn thương thận, lao thận…

3.3. Thận bướu

Bờ thận thường lồi ra giữa hai ngấn lõm, có thể do phì đại cột Bertin, cần loại trừ u thận.

4. HÌNH”CỘNG” ĐƯỜNG BÀI XUẤT

Các hình” cộng” thấy rõ nhất trên chụp UIV.

4.1. Hình”cộng” ở đài thận

Các hình cộng này nằm ngoài đường Hodson (đường nối các đáy các đài thận).

Hình”cộng” do bẩm sinh:
– Các túi thừa thông với đài thận, nang thông với bể thận.
– Giãn các ống góp trước đài thận (bệnh Cacci- Ricci). Bệnh này về sau gây vôi hoá các tháp thận, là điều kiện thuận lợi tạo sỏi.
– Thiểu sản thuỳ thận bẩm sinh hay mắc phải, có thể thứ phát sau trào ngược bể đài thận. Các đài thận có thể lồi ra hình chuỳ về phía bờ thận, các gai thận biến mất.

Hình” cộng” mắc phải:
– Hoại tử gai thận: Hoại tử gai thận thường dưới hai dạng:
+ Hoại tử trung tâm tuỷ thận: Hình cộng ở đỉnh gai thận.
+ Hoại tử mà thuốc cản quang bọc quanh mảnh hoại tử tạo thành hình khuyết trong đài thận.

Hoại tử gai thận hay gặp ở bệnh nhân đái đường, nhiễm độc thuốc, nhiễm trùng. Có một số ổ hoại tử có hình ảnh giống hang lao.

– Hang lao:

Hang được tạo thành do lao gây hoại tử mô thận, mở vào đài thận, có bờ không đều, chậm ngấm thuốc, đôi khi chỉ ngấm khi ép niệu quản. Đôi khi hang có hình tròn nhẵn, đều giống túi thừa đài thận.

4.2. Các hình” cộng” khác
Các hình” cộng” khác có thể do: Thoát thuốc ra ngoài do rách các túi cùng đài thận, nang vỡ thông với đường bài xuất, các đường rò sau chấn thương…

5. HÌNH KHUYẾT ĐƯỜNG BÀI XUẤT

5.1. Hình khuyết đài bể thận và niệu quản

Hình khuyết đài bể thận và niệu quản có thể do: Các cục máu đông, sỏi không cản quang, u đường bài xuất, mảnh hoại tử gai thận.

Các cục máu đông thường liên quan đến quá trình đái máu, hình ảnh di chuyển, thay đổi vị trí, kích thước trong quá trình xét nghiệm.

Các sỏi không cản quang thường chẩn đoán dễ với siêu âm (hình đậm âm kèm bóng cản- tương tự các sỏi khác). Trên các phim chụp niệu đồ tĩnh mạch, sỏi không cản quang biểu hiện là hình khuyết có thuốc bao bọc xung quanh.

Các u đường bài xuất (đài bể thận) thường có cấu trúc phần mềm xuất phát từ thành, có thể thấy rõ trên siêu âm với đường bờ nham nhở không đều, hay gây tắc nghẽn đường bài xuất.

Với u niệu quản, ngoài các dấu hiệu trên còn thấy u gây giãn trên và dưới u tạo thành hình cốc rượu (dấu hiệu Bergmann). Với các u dạng thâm nhiễm chẩn đoán gặp nhiều khó khăn, đôi khi giống như tổn thương viêm lao.

5.2. Hình khuyết ở bàng quang

Các u bàng quang:

Các u bàng quang rất thường gặp, nhất là ung thư bàng quang dạng u sùi, nhú và u thâm nhiễm mảng cứng. Các u biểu hiện là hình khuyết thành không thay đổi với bờ thường nham nhở không đều hoặc có hình đoạn cứng.
Ung thư thường thâm nhiễm thành bàng quang. Các u vùng đáy, cổ bàng quang hay gây rối loạn tiểu tiện và bít tắc. Các u vùng lỗ niệu quản hay gây ứ nước thận.

Các sỏi không cản quang:

Các sỏi không cản quang thường gây hình ảnh khuyết trong lòng bàng quang, bờ nét di động, dễ chẩn đoán khi thay đổi tư thế bệnh nhân. Trong trường hợp có đái máu với máu cục trong bàng quang chẩn đoán khó hơn nhưng có thể theo dõi tiến triển của cục máu đông để loại trừ.

6. HỘI CHỨNG U THẬN

– Hội chứng u thận: Thường thấy biến đổi bờ thận, thay đổi cấu trúc bình thường của mô thận và đường bài xuất.
– Hội chứng giả u thận gồm có các nguyên nhân: Thận bướu, thận phì đại khu trú, phì đại cột Bertin, phì đại lưỡi thận, nang thận.

7. HỘI CHỨNG BÍT TẮC

7.1. Biểu hiện của bít tắc

– Chậm bài tiết thuốc cản quang.
– Giãn đường bài xuất trên vị trí tắc.
– Chậm bài xuất thuốc cản quang.

7.2. Vị trí bít tắc

Bít tắc có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào nhưng thường hay xảy ra ở các vị trí hẹp sinh lý của đường bài xuất (vị trí nối bể thận niệu quản, đoạn ngang động mạch chậu, đoạn thành bàng quang) với nguyên nhân chủ yếu là sỏi. Các bít tắc từng đợt đôi khi khó chẩn đoán.

7.3. Nguyên nhân bít tắc

7.3.1. Tại đài bể thận

Có thể gặp các nguyên nhân: Lao (hẹp bể thận, cổ đài thận), sỏi, u thận xâm lấn đường bài xuất, u đài-bể thận, các sẹo sau chấn thương hay can thiệp ngoại khoa, hội chứng hẹp vị trí nối.

7.3.2. Tại niệu quản

– Các nguyên nhân trong lòng niệu quản: Các sỏi cản quang và không cản quang, các cục máu đông (hiếm).

– Các nguyên nhân từ thành niệu quản: U niệu quản, chít hẹp do viêm, sẹo cũ, hẹp bẩm sinh hoặc phình giãn niệu quản bẩm sinh (phình giãn do trào ngược, phình giãn đoạn dưới do đoạn trên mất nhu động, phình giãn do chít hẹp lỗ niệu quản – sa lồi niệu quản).

7.3.3. Tại bàng quang

Có thể gặp các nguyên nhân: U vùng đáy bàng quang xâm lấn niệu đạo, bàng quang thần kinh, thâm nhiễm viêm do nhiễm trùng.

7.3.4. Tại cổ bàng quang và niệu đạo

Các bít tắc ở vùng này ảnh hưởng nhiều đến thận, niệu quản và nhất là bàng quang. Bàng quang thành dầy lên có hình ảnh giả pôlyp giả túi thừa, đái khó, nước tiểu tồn dư sau đái… Các nguyên nhân thường thấy là: Các u, xơ hoá cổ bàng quang, hẹp bẩm sinh, van niệu đạo, hẹp sau nhiễm trùng, sau chấn thương, u phì đại, ung thư tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến.

8. THẬN TO

Nguyên nhân gây thận to có nhiều, ta có thể tóm tắt như sau:

– Tăng bề dầy nhu mô thận: Thận to do hoạt động bù, u lành hoặc ác tính, thận đa nang, nang thận.

– Tăng kích thước xoang thận: Đường bài xuất đôi (hoàn toàn và không hoàn toàn) nhất là khi kèm phì đại cột Bertin, nang cạnh bể thận, tụ mỡ xoang thận.

– Một số nguyên nhân khác: Các viêm nhiễm thận giai đoạn cấp, huyết khối tĩnh mạch thận, nhồi máu thận giai đoạn đầu, áp xe, viêm tấy quanh thận, máu tụ, thâm nhiễm lymphô thận, thận ứ nước do bít tắc.

9. THẬN NHỎ

– Hai thận nhỏ:

+ Thận nhỏ, các đài bể thận bình thường: Gặp trong viêm thận mạn, suy thận.

+ Bờ thận ngấn lõm, đài thận hình chuỳ, mô thận mỏng: Viêm thận bể thận mạn.

+ Thận nhỏ, đài bể thận giãn, mô thận mỏng: Bít tắc đường bài xuất.

– Thận nhỏ một bên: Bẩm sinh, nguyên nhân mạch máu (hẹp động mạch thận), viêm thận bể thận…

Post Comment