Do lợi thế chụp nhanh và máy chụp CT phổ biến hơn so với máy chụp CHT nên chụp CT cột sống là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh được lựa chọn nhiều trong chẩn đoán chấn thương cột sống-tủy sống.
Sơ đồ sau đây liệt kê các hình ảnh chấn thương cột sống theo cơ chế chấn thương. Xin lưu ý rằng các tổn thương có thể gặp đơn độc, nhưng thường gặp là có sự phối hợp nhiều tổn thương cùng lúc.
Hình thái các loại tổn thương cũng thay đổi tùy theo đoạn cột sống. Ví dụ như cột sống cổ hay gặp vỡ phức tạp thân đốt sống, đụng giập tủy, trật khớp khối bên, đứt dây chằng gian gai. Ngược lại, ở cột sống thắt lưng thường gặp vỡ thân đốt, xẹp thân đốt, thoát vị đĩa đệm. Nguyên nhân là do cột sống cổ có tầm hoạt động rộng nhưng lại ít được bảo vệ (các dây chằng nhỏ và mảnh, các khối cơ bao quanh nhỏ bé), các đốt sống nhỏ nên sức chịu đựng lực tác động do chấn thương kém hơn.
Do hạn chế của máy chụp CT chỉ cắt đuợc theo mặt phẳng ngang, nên một bước không thể thiếu của chụp CT cột sống là tái tạo ảnh theo các mặt phẳng khác nhau, trong đó quan trọng nhất là mặt phẳng đứng dọc giữa (sagittal).
Chế độ mở cửa sổ (windows) theo hai cửa sổ mô mềm và cửa sổ xương.
Chúng ta có thể thấy được những tổn thương sau trên chụp CT cột sống :
1. Những tổn thương của thân đốt sống
1.1. Vỡ thân đốt sống : đường vỡ có thể đơn giản chỉ có một đường, hoặc có nhiều đường vỡ phức tạp với nhiều mảnh rời di lệch, có thể chèn ép thần kinh hoặc không, số lượng có thể chỉ ở một đốt sống, có thể nhiều đốt.
1.2. Xẹp thân đốt sống : có thể xẹp đơn thuần một đốt sống hoặc xẹp nhiều đốt sống.
1.3. Nhấn mạnh : cho dù là vỡ hay xẹp thân đốt sống, thì điều quan trọng nhất là có hay không có tổn thương tường sau thân đốt, vì nếu có tổn thương tường sau thì nguy cơ chèn ép tủy và các rễ thần kinh là rất cao (hình 1).
1.4. Trượt đốt sống : thường đi kèm trật khớp của khối khớp bên. Mức độ trượt đốt sống được chia thành các mức độ : độ 1 = 1/3 thân đốt, độ 2 = 2/3 thân đốt, độ 3 = trượt toàn bộ thân đốt (tính theo chiều trước-sau của thân đốt sống).
3. Những tổn thương của dây chằng :
Đứt dây chằng thường quan sát thấy ở những vị trí dây chằng lớn, dầy như ở cột sống thắt lưng. Do hướng đi của các dây chằng không theo phương nằm ngang và độ phân giải của ảnh tái tạo không cao nên việc xác định đứt dây chằng khá khó khăn. Chỉ có dây chằng vàng có hướng đi ngang nên dễ xác định có tổn thương hay không.
4. Những tổn thương của đĩa đệm :
Có thể thấy được vỡ đĩa đệm (thường đi kèm vỡ thân đốt sống có đường vỡ xuyên qua đĩa đệm) hoặc thoát vị đĩa đệm. Hình ảnh thoát vị đĩa đệm do chấn thương thường gặp do những chấn thương nặng, gây rách vành xơ dẫn đến thoát vị nhân nhầy cần được xác định trên cả ảnh cắt ngang và ảnh tái tạo theo mặt phẳng đứng dọc giữa sagittal.
5. Những tổn thương của tủy sống :
Khó xác định hơn so với cộng hưởng từ vì độ phân giải của hình ảnh trong ống sống kém, đặc biệt hình ảnh giảm tỷ trọng của phù tủy do chấn thương chỉ có thể thấy được nếu phạm vi phù tủy rộng. Một hình ảnh khác là rỗng tủy sau chấn thương thì dễ thấy hơn so với phù tủy, tuy nhiên khó thấy nếu ổ rỗng nhỏ hơn 3mm. Bên cạnh các hình ảnh tổn thương tủy, có thể thấy hình ảnh các tổn thương chèn ép tủy như mảnh xương, thoát vị đĩa đệm, máu tụ, trượt đốt sống…Nhìn chung, việc đánh giá tổn thương tủy sống trên CT khó hơn nhiều so với trên CHT.
6. Những tổn thương máu tụ :
Thường gặp là máu tụ ngoài màng cứng do vỡ đốt sống, đôi khi gặp máu tụ dưới màng cứng trong chấn thương cột sống lưng. Thể hiện trên hình ảnh là những hình tăng tỷ trọng ở các vị trí chịu tác động trực tiếp của lực sang chấn hoặc gần các ổ vỡ xương. Riêng máu tụ dưới màng cứng có thể di chuyển từ đoạn cột sống này sang đoạn cột sống khác theo tư thế bệnh nhân, vì thế cần thận trọng khi xác định nguồn gốc của máu tụ dưới màng cứng của ống sống.
7. Những tổn thương của phần mềm quanh cột sống :
Có thể thấy được rách cơ, máu tụ trong cơ, đụng giập cơ phạm vi rộng…