Xét nghiệm COVID-19: quy trình và ý nghĩa lâm sàng

0

Xét nghiệm COVID-19 đóng vai trò then chốt. Trong bối cảnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh thì việc chẩn đoán những người bị bệnh, cách ly họ để tránh truyền bệnh cho người khác là vấn đề trọng yếu. Các thống kê nhận định có một số người bị bệnh nhưng không có triệu chứng. Vì vậy, việc chẩn đoán những người này là mục tiêu của chẩn đoán y khoa.

Hiện nay, để chẩn đoán xác định bị nhiễm COVID-19 có hai loại xét nghiệm chính:

  • Xét nghiệm tìm chính bản thân virus COVID-19 bằng cách tìm vật chất di truyền của nó.
  • Tìm kháng thể được cơ thể con người sản xuất chống lại virus COVID-19 khi bị nhiễm.

1. Vật chất di truyền của virus COVID-19

Coronavirus (còn được gọi là virus corona hay 2019-nCoV) là một nhóm gồm các loại virus thuộc phân họ Coronavirinae trong Họ Coronaviridae, theo Bộ Nidovirales. Virus này lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc nên nó từng thời gian mang tên Virus Vũ Hán.

COVID-19 có vật chất di truyền là ARN sợi đơn, chiều dương, là cấu trúc nucleocapsid đối xứng xoắn ốc. Kích thước bộ gen của COVID-19 từ khoảng 26-32 kilo basepair. Bộ ARN của COVID-19 là bộ lớn nhất trong số các loài virus có vật chất di truyền là ARN.

Bao bọc bên ngoài COVID-19 là cấu trúc vỏ, với lớp màng lipid (envelope) và các protein thụ thể bề mặt S, M, HE, E. Trong đó thụ thể protein S có tính ái lực cao với tế bào vật chủ.

Trên kính hiển vi điện tử, COVID-19 có hình ảnh giống vương miệng hoàng gia với một rìa lớn với các tua mà bẩn chất là protein bề mặt. Vì vậy, COVID-19 có tên là corona.

Xét nghiệm covid-19

2. Xét nghiệm tìm vật chất di truyền ARN của COVID-19

2.1. Bệnh phẩm

– Bệnh phẩm thường sử dụng nhất là bệnh phẩm ngoáy dịch mũi hầu, họng.

2.2. Quy trình

– Lấy bệnh phẩm bằng tăm bông, tại vùng mũi hầu họng.

– Bệnh phẩm tăm bông được ngâm trong dung dịch ống nghiệm bảo quản. Mục đích là loại bỏ tạp chất, chất béo và protein thừa, phóng thích RNA virus. Trong hỗn hợp ARN này có cả RNA của con người.

– Phiên mã ngược RNA của COVID-19 sang DNA phiên mã.

– Bổ sung các đoạn DNA vào hỗn hợp ADN phiên mã ở trên. Các đoạn DNA này được sử dụng với mục đích gắn vào DNA phiên mã của COVID-19, sau đó đánh dấu và khuếch đại.

– Hỗn hợp sau khi bổ sung đoạn DNA ở trên vào máy RT-PCR. Trong máy sẽ thực hiện quá trình khuếch đại DNA phiên mã theo cấp số nhân.

– Sau quá trình khuếch đại, sản phẩm sẽ được nhuộm huỳnh quang, dựa vào đoạn DNA đánh dấu sẽ xác định sự có mặt của RNA COVID-19.

2.3. Ý nghĩa lâm sàng

– Nếu kết quả RT-PCR dương tính, tức là người bệnh đang mang virus COVID-19 trong người.

– Kết quả RT-PCR đặc biệt quan trọng ở những người bị nhiễm nhưng không có triệu chứng.

– Căn cứ vào chu kỳ khuếch đại, các nhà xét nghiệm sẽ đánh giá mức độ nặng của bệnh. Nếu chu kỳ khuếch đại càng ít mà vẫn cho kết quả dương tính chứng tỏ số lượng virus càng lớn, mức độ bệnh càng nặng.

2.4. Ưu nhược điểm

– Cho kết quả nhanh, tại thời gian thực.

– RT-PCR có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.

– Thời gian thực hiện xét nghiệm RT-PCR nhanh hơn đáng kể so với các phương pháp phân lập virus khác.

– Khả năng sai sót và nhiễm bẩn thấp, vì toàn bộ quá trình được thực hiện trong ống kín.

3. Xét nghiệm tìm kháng thể

Đây là xét nghiệm tìm các kháng thể IgA, IgM, IgG hoặc tổng thể kháng thể. Sự xuất hiện các kháng thể này với mức độ phụ thuộc cá thể, khả năng miễn dịch và cần thời gian để xuất hiện ở trong máu.

Các nghiên cứu gần đây nhận thấy thời gian trung bình xuất hiện kháng thể kể từ ngày bị phơi nhiễm là từ 7-11 ngày. Sau khi xuất hiện kháng thể thì cơ thể có thể được bảo vệ trước COVID-19. Tuy nhiên, nghiên cứu kháng thể này mới chỉ được thực hiện trên khỉ.

Bệnh phẩm xét nghiệm tìm kháng thể là huyết thanh tách từ máu toàn phần.

Giá trị của xét nghiệm tìm kháng thể:

– Xác minh một người đã bị phơi nhiễm trước COVID-19. Sự xuất hiện kháng thể chứng minh người này có thể chống lại virus này, nhưng không thể chứng minh hiện tại người này còn virus trong người hay không.

Ý nghĩa xét nghiệm tìm kháng thể:

– Thực hiện dễ dàng, có thể thực hiện trên diện rộng ở cơ sở y tế địa phương.

– Dựa theo kết quả có thể chọn lọc các nhân viên có thể tiếp tục tiếp xúc người nhiễm COVID-19, trong đó bao gồm nhân viên y tế.

– Hứa hẹn khả năng sản xuất kháng thể nhân tạo hoặc tách chiết từ người cho nhằm mục đích điều trị người bệnh bị nhiễm ở mức độ nặng.

– Góp phần tiên lượng mức độ nặng của người bệnh dựa theo đáp ứng miễn dịch của họ.

– Xác định độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm RT-PCR.

– Góp phần nghiên cứu tìm hiểu những người có RT-PCR âm tính nhưng trong cơ thể lại có kháng thể xuất hiện.

4. Tài liệu tham khảo

1. Jun She, Jinjun Jiang, Ling Ye, Lijuan Hu, Chunxue Bai & Yuanlin Song. 2019 novel coronavirus of pneumonia in Wuhan, China: emerging attack and management strategies. Clinical and Translational Medicine volume 9, Article number: 19 (2020).

2. Robin Patel, Esther Babady, Elitza S. Theel, Gregory A. Storch, Benjamin A. Pinsky, Kirsten St. George, Tara C. Smith, Stefano Bertuzzi. Report from the American Society for Microbiology COVID-19 International Summit, 23 March 2020: Value of Diagnostic Testing for SARS–CoV-2/COVID-19. DOI: 10.1128/mBio.00722-20. Bản dịch tiếng Việt của PGS. TS. BS. Lê Minh Khôi

3. Nicole Jawerth. How is the COVID-19 Virus Detected using Real Time RT-PCR? IAEA – International Atomic Energy Agency, Published 27 Mar 2020.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *