Xét nghiệm Amylase được sử dụng trong trường hợp bệnh lý liên quan tới tuyến nước bọt và đặc biệt là tuyến tụy.
1. Nguồn gốc
– Amylase là một loại enzym được sản xuất bởi tuyến tụy và tuyến nước bọt.
– Enzym này có tác dụng cắt các tinh bột thành disacarit và trisacarit. Sau đó disacarit và trisacarit được chuyển hóa thành glucose bởi các enzym khác. Sự đốt cháy glucose trong cơ thể sẽ tạo năng lượng hữu ích.
– Amylase cũng được tìm thấy trong thực vật như hạt giống, trái cây, nấm mốc…
2. Mục đích
– Amylase được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi viêm tụy cấp.
– Xét nghiệm này cũng được dùng trong chẩn đoán và theo dõi viêm tụy mạn cũng như một số bệnh lý tuyến tụy khác.
3. Bệnh phẩm
– Bệnh phẩm thường sử dụng nhất là máu lấy từ tĩnh mạch cánh tay.
– Ngoài ra bệnh phẩm có thể là nước tiểu ngẫu nhiên hoặc nước tiểu 24h, dịch màng bụng …
– Một số lưu ý quan trọng: không uống rượu bia và các thức uống có cồn trong vòng 24h trước lấy mẫu; nên ăn nhẹ và uống nước bình thường như mọi ngày; trước khi lấy mẫu 2h nên nhịn ăn uống; thông báo cho nhân viên y tế các thuốc đang dùng vì một số thuốc có thể làm tăng amylase.
4. Kết quả xét nghiệm
– Amylase trong máu được coi là bình thường nếu có giá trị trung bình vào khoảng 22-80 U/L.
– Amylase trong nước tiểu được coi là bình thường nếu có giá trị trung bình khoảng 42-321 U/L.
Nhiều trường hợp lâm sàng không điển hình nên giá trị xét nghiệm amylase trong giới hạn bình thường không có khả năng loại trừ các bệnh lý tuyến tụy hoặc tuyến nước bọt.