WHO: viêm gan virus tầm quan trọng không kém gì đại dịch HIV/AIDS

0

Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước trên thế giới phải hành động ngay càng sớm càng tốt để giảm tỷ lệ tử vong do viêm gan virus gây ra. Công việc cần làm là nâng cao kiến thức về viêm gan virus, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ phòng và điều trị sớm. Tổng giám đốc WHO cho biết: cần coi trọng vấn nạn viêm gan virus có tầm quan trọng như đại dịch HIV/AIDS.

Theo báo cáo mới nhất của WHO ngày 19 tháng 7 thì cho đến nay có khoảng 400 triệu người nhiễm viêm gan virus trên thế giới, mỗi năm có 6-10 triệu người nhiễm mới. 95% số người bị nhiễm này không biết mình bị nhiễm mà chỉ được phát hiện tình cờ qua một dịch vụ y tế khác. Trên 90% số bệnh nhân bị nhiễm viêm gan C có thể điều trị khỏi trong vòng 3-6 tháng.

Viêm gan virus đang lan truyền rộng rãi trên thế giới, ước tính gấp 10 lần số người bị nhiễm HIV. Trên thế giới, khoảng 1.4 triệu người chết có liên quan tới viêm gan virus mỗi năm.

 

Viêm gan virus: hãy hiểu biết và hành động ngay
Viêm gan virus: hãy nhận biết và hành động ngay – Source: WHO

Vậy viêm gan virus là gì và có mấy loại, cách phòng tránh như thế nào ?

– Viêm gan là một thuật ngữ nói chung để nói đến tình trạng viêm của gan do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm gan do virus hay gặp nhất và thường tiên phát. Các loại viêm gan do vi khuẩn ít khi xảy ra và thường thứ phát.

– Trong viêm gan virus, một số siêu vi gây bệnh lý toàn thân gây viêm gan thứ phát như CMV (cytomegalo virus), EBV (Epstein Barr virus), HSV, aricella-zoster virus … Virus siêu vi A, B, C, D có thể gây viêm gan tiên phát và nhiều biến chứng nguy hiểm. Gọi là viêm gan siêu vi vì mặc dù chúng đều có cấu trúc virus nhưng kích thước rất nhỏ, như viêm gan siêu vi B được quan sát trên kính hiển vi điện tử chỉ dài 42 nm (1nm một phần một triệu mm)

1. Viêm gan A

Là loại viêm gan do virus A (một virus thuộc họ Picornaviridae). Virus viêm gan A có chiều dài 7.5 kb (đơn vị đo phân tử di truyền) và đường kính 27nm. Virus viêm gan A có nhiều nhất trong phân người bị nhiễm.

Thời kỳ ủ bệnh với viêm gan A là 15-45 ngày. Bệnh thường lành tính, nhưng cũng có khoảng chưa đến 1% các trường hợp dẫn tới suy gan cấp gây tử vong. Nhiễm viêm gan A ở trẻ em thường nặng hơn người lớn.

Viêm gan A thường cấp tính rồi khỏi, rất ít khi trở thành mạn tính.

Viêm gan A thường lây qua đường miệng. Hiện nay đã có vaccine phòng bệnh.

Các xét nghiệm cho viêm gan A: HAV IgM. Trong giai đoạn cấp tính viêm gan A thì chỉ số ALP thường tăng cao.

2. Viêm gan B

Là loại viêm gan do virus B (một loại virus thuộc họ Hepadnaviridae) gây ra. Virus viêm gan B có nhiều trong tinh dịch, dịch nhờn âm đạo, trong máu, nước bọt và nước mắt. Virus này không thấy xuất hiện trong phân, nước tiểu, mồ hôi.

Virus viêm gan B có thể ngủ đông ở nhiệt độ -20 độ C và ở 60 độ C trong 4 giờ. Để diệt virus viêm gan B phải nung virus ở 100 độ C trong 10 phút hoặc rửa bằng thuốc tẩy trùng sodium hypochlorite.

Thời kỳ ủ bệnh với viêm gan B là 40- 150 ngày. Viêm gan B thường mạn tinhs với các đợt cấp tính bùng phát. Có khoảng 20% số bệnh nhân bị viêm gan B mạn tiến triển thành xơ gan và ung thư gan nguyên phát.

– Con đường lây nhiễm:
+ Lây nhiễm từ mẹ sang con.
+ Lây nhiễm qua đường tình dục
+ Lây nhiễm qua đường máu như tiêm trích, truyền máu, sử dụng bơm kim tiêm
+ Các nguy cơ thấp hơn như: tiếp xúc với máu của người bị nhiễm viêm gan B, dùng chung bàn chải đánh răng.
+ Viêm gan B không lây nhiễm qua hôn, nắm tay, ho, đờm rãi, hoặc dùng chung cốc, chậu giặt quần áo, nhà vệ sinh, …
+ Thai phụ bị nhiễm viêm gan B thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị nhiễm là 10-40%.

– Phòng chống viêm gan B bằng tiêm phòng vaccine. Điều này cần đặc biệt lưu ý ở những đứa trẻ cần tiêm phòng trong vòng 24h kể từ lúc sinh nếu người mẹ bị nhiễm viêm gan B.

– Các xét nghiệm cho viêm gan B
+ Xác định bị nhiễm viêm gan B: HBsAg
+ Đánh giá tình trạng virus đang hoạt động hay không: HBeAb, HBeAg
+ Đo tải lượng virus trong máu: HBV-DNA.
+ Xét nghiệm virus B đột biến gene kháng thuốc

3. Viêm gan C

Là loại viêm gan do virus C (một loại virus thuộc họ Flaviviridae) gây ra. Virus viêm gan C dài 9.4 kb và đường kính 55 nm.

Thời gian ủ bệnh của viêm gan C là khoảng 8 tuần. Hầu hết viêm gan C đều ở dạng mạn tính và không có triệu chứng, chỉ khoảng 15-30% số bệnh nhân có triệu chứng cấp tính và khỏi bệnh. Có khoảng 20% số bệnh nhân viêm gan C mạn tính chuyển thành xơ gan mất bù. Bệnh nhân viêm gan C mạn tính có nguy cơ ung thư gan nguyên phát cao nhất trong số các loại viêm gan virus.

Các khuyến cáo của Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan tại Mỹ (American Association for the Study of Liver Diseases) thì với bệnh nhân viêm C nên siêu âm và xét nghiệm AFP (một loại marker ung thư gan nguyên phát) mỗi 6 tháng một lần.

– Các con đường lây truyền viêm gan C:
+ Dùng chung bơm kim tiêm
+ Truyền máu
+ Lây truyền từ mẹ sang con
+ Dùng chung bàn chải đánh răng hoặc dao cạo râu
+ Lây truyền qua quan hệ tình dục, mặc dù tỷ lệ này khá thấp

– Các xét nghiệm với viêm gan C:
+ Xét nghiệm chẩn đoán bị nhiễm viêm gan C: Anti HCV (HCVAg)
+ Xét nghiệm định type virus C: HCV genotype
+ Xét nghiệm virus C đột biến gene kháng thuốc

Điều trị viêm gan C khá tốn kém, hiệu quả điều trị thường khiêm tốn.

Hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C. Cách phòng ngừa là ngăn chặn con đường lây nhiễm.

4. Viêm gan D

Viêm gan D là loại viêm gan do virus D (loài duy nhất trong chi Deltavirus). Đây là loại virus khuyết thiếu, không thể tự tồn tại mà phải lây nhiễm dựa nhờ vào viêm gan B. Virus viêm gan D sử dụng HBsAg (kháng nguyên trên bề mặt của virus viêm gan B) như một protein vỏ.

Bệnh nhân viêm gan B có bội nhiễm viêm gan D có tiên lượng nặng hơn và có thể dẫn đến suy gan cấp.

Viêm gan D không cần điều trị, điều trị khỏi hoặc giảm viêm gan B thì viêm gan D tự giảm hoặc khỏi theo.

Con đường lây viêm gan D lây truyền giống viêm gan B. Vì vậy, phòng chống con đường lây như viêm gan B.

5. Viêm gan E

Là loại viêm gan do virus E (loài duy nhất trong chi Hepevirus) gây ra. Virus E có chiều dài 7.5 kb và đường kính 32-34nm.

Thời gian ủ bệnh khoảng 2-9 tuần.

Viêm gan E được lây nhiễm chủ yếu qua đường miệng. Rất ít khi lây nhiễm từ người sang người, kể cả từ mẹ sang con. Viêm gan E được lây từ động vật thuộc bộ linh trưởng sang người.

Viêm gan E có đời sống ngắn ngoài môi trường, nên viêm gan E khó lây bệnh hơn.

Khi bị nhiễm viêm gan E thường cấp tính, ít khi mạn tính. Trong các trường hợp cấp tính thường không trầm trọng và có thể khỏi. Tuy nhiên, các trường hợp trầm trọng thường rất ác tính, bệnh nhân chỉ có thể sống bằng ghép gan.

Viêm gan E đặc biệt quan trọng ở phụ nữ có thai ba tháng cuối. Viêm gan E có thể gây thai lưu và tử vong thai phụ với tỷ lệ khoảng 25%.

6. Viêm gan virus G

Là loại viêm gan do virus G (một loại virus thuộc họ Flaviviridae) gây ra. Đây là viêm gan virus mới được phát hiện, cho đến nay chưa được nghiên cứu đầy đủ.

– Viêm gan G lây theo con đường:
+ Từ mẹ sang con và qua con đường truyền máu.
+ Không thấy thống kê về sự lây nhiễm của viêm gan G qua con đường ăn uống, con đường tình dục.

7. Triệu chứng viêm gan virus

Viêm gan virus có các triệu chứng giống cảm cúm. Viêm gan virus trong giai đoạn mạn tính thường không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu, các biểu hiện chỉ mang tính chất gợi ý. Trong giai đoạn cấp các triệu chứng có thể xảy ra rầm rộ.
– Mệt mỏi, giảm cân
– Chán ăn
– Đau cơ, khớp
– Sốt nhẹ ở viêm gan B, C. Viêm gan A thường sốt cao hơn.
– Đau bụng vùng hạ sườn phải.
– Nước tiểu sẫm
– vàng da, vàng mắt. Da có thể sạm hơn bình thường.

Tài liệu tham khảo

1. Bệnh học truyền nhiễm. Bộ môn truyền nhiễm – Đại học Y Hà Nội. 2006

2. American Association for the Study of Liver Diseases. Practice Guidelines.

http://www.aasld.org/publications/practice-guidelines-0

3. WHO encourages countries to act now to reduce deaths from viral hepatitis.
http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2016/world-hepatitis-day/en/

4. Adrienne M Buggs, Adrienne M Buggs et al (American Academy of Emergency Medicin). Viral Hepatitis. Medscape medical magazine online. Updated Dec 16th 2014.
http://emedicine.medscape.com/article/775507-overview#a2

5. Liver disease. NHS magazine online. Public May 3rd 2016
http://www.nhs.uk/conditions/liver-disease/Pages/Introduction.aspx

 

Last updated: July 28th 2016

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *