virus COVID-19 hay còn gọi là nCov, SARS-CoV-2, có thời gian ủ bệnh trung bình là 2-14 ngày, trung bình là 5 ngày. COVID-19 gây hội chứng suy hô hấp cấp, và gần đây các ca lâm sàng tìm thấy mối liên quan viêm não màng não có liên quan COVID-19 làm tăng mối lo ngại về sự khó khăn trong điều trị.
Vật chất di truyền của COVID-19 là ARN. Sau khi xâm nhập vào tế bào, virus COVID-19 sử dụng “cơ sở vật chất” của tế bào vật chủ để nhân lên. Dựa theo nguyên lý này nên có thể trong tương lai, các thuốc ức chế enzym RNA polymerase có thể dùng để điều trị COVID-19.
Triệu chứng chủ yếu của nhiễm COVID-19 là sốt, ho, khó thở. Ngoài ra có một số triệu chứng chung của nhiễm virus như mệt mỏi, đau cơ…

Cách thức lây chủ yếu của COVID-19 là qua các giọt nước bọt bắn ra hoặc qua tiếp xúc tay – chân với nguồn lây nhiễm. Vì vậy, việc rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mặt – mắt hoặc các niêm mạc khác, vệ sinh nhà cửa thoáng khí và lau bằng các dung dịch diệt khuẩn thông thường có thể tiêu diệt COVID-19
Nếu một người có tiền sử tiếp xúc vùng đang nhiễm virus COVID-19 hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch cộng với có một trong các triệu chứng sau đây thì cần phải khám cấp cứu ngay lập tức:
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Đau hoặc tức ngực
- Tinh thần không tỉnh táo, lơ mơ.
- Da niêm mạc nhợt
- Những người có nguy cơ bị nặng hơn nếu nhiễm COVID-19
Một số thăm dò cận lâm sàng:
1. Xét nghiệm công thức máu: giai đoạn đầu có thể có số lượng bạch cầu giảm, bạch cầu lympho giảm.
2. Xét nghiệm sinh hóa máu: men gan và men cơ có thể tăng. Các chỉ số đánh giá tình trạng viêm như xét nghiệm CRP, xét nghiệm VSS tăng, nếu bệnh nặng có thể có D-dimer tăng. Xét nghiệm Procalcitonin trong giới hạn bình thường (nếu không có bội nhiễm).
3. Đo chức năng hô hấp: có thể xem xét chỉ định thêm.
4. Chẩn đoán hình ảnh:
– Hình ảnh X-Quang tim phổi biểu hiện hình ảnh viêm phổi. Có thể có tràn dịch màng phổi nhưng ít khi xuất hiện. Có thể xem xét chỉ định chụp CT Scanner.
– Siêu âm phổi có thể thấy hình ảnh tổn thương màng phổi và nhu mô phổi vùng ngoại vi
5. Tiêu chuẩn vàng:
Xét nghiêm COVID-19 nhằm mục đích chẩn đoán bị nhiễm virus, có thể thực hiện bằng cách xác định sự có mặt của virus hoặc xác định kháng thể kháng virus.
Phương pháp xác định sự có mặt của virus, tức là xác định có vật chất di truyền ARN bằng phương pháp RT-PCR:
– Được thực hiện bởi các xét nghiệm do Bộ Y tế cấp phép và theo tiêu chuẩn của CDC – Mỹ và WHO.
– Bệnh phẩm: dịch họng, đờm, dịch phế quản và máu
– Kỹ thuật: RT – PCR 2019-nCoV hoặc giải trình tự gen.
Tài liệu tham khảo
1. Bản dịch tiếng Việt bởi Nguyễn Khởi Quân (1), TS. BS. Đoàn Văn Minh (1, 2), TS. BS. Nguyễn Hữu Châu Đức (1,3). Chẩn đoán, điều trị, và dự phòng nhiễm 2019 novel coronavirus ở trẻ em: Tuyên bố đồng thuận của các chuyên gia.
(1) Trường Đại học Y dược Huế; (2) Khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược Huế; (3) Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược Huế
2. Centers for Disease Control and Prevention – CDC. Coronavirus Disease 2019 (COVID-19).
3. WHO. Coronavirus disease 2019
Cập nhật lần cuối: Apr 17, 2020