Mục lục
Hiệp hội ung thư Mỹ (American Cancer Society – ACS) đã đưa ra các khuyến cáo về số lần tầm soát sớm một số loại ung thư thường gặp trước khi các bệnh này có biểu hiện triệu chứng.
1. Ung thư vú
– Thường chỉ áp dụng cho phụ nữ
– Phụ nữ 40 – 44 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư vú có kèm theo chụp X quang vú (Nhũ ảnh – Mammography) nếu họ có nhu cầu.
– Phụ nữ 45 – 54 tuổi: nên tầm soát có kèm chụp X quang vú mỗi năm một lần.
– Phụ nữ 55 tuổi trở lên: nên tầm soát có kèm chụp X quang vú 2 năm một lần hoặc tiếp tục mỗi năm một lần.
– Tầm soát ung thư vú nên được áp dụng ở phụ nữ có sức khỏe tốt, phụ nữ không có bệnh nguy hiểm, nếu có bệnh mạn tính thì phải có tiên lượng sống thêm hơn 10 năm.
– Tất cả phụ nữ cần phải hiểu được lợi ích cũng như độ nhạy, độ đặc hiệu của từng phương pháp tầm soát.
– Phụ nữ có tiền sử gia đình có người bị ung thư vú thì có thể xem xét chụp MRI vú kết hợp với chụp Mammography.
– Mỗi phụ nữ cần học được cách tự kiểm tra vú của mình
2. Ung thư đại trực tràng
– Nên bắt đầu kiểm tra ở tuổi từ 50 trở lên, bao gồm cả nam và nữ. Có thể chọn một trong hai phương pháp sau đây:
– Phương pháp một: chọn một trong các thủ thuật sau đây:
+ Nội soi đại tràng 10 năm một lần
+ Chụp CT Scanner 5 năm một lần nếu có chỉ định hoặc nghi ngờ
+ Phẫu thuật nội soi đại tràng 5 năm một lần nếu có chỉ định
+ Chụp đại tràng cản quang 5 năm một lần nếu có nghi ngờ
– Các xét nghiệm tầm soát ung thư phổ biến: chọn một trong các phương pháp. Mẫu phân nên được lấy ở nhà, một mẫu phân lấy tại viện là không đủ cơ sở tầm soát. Nếu một trong các xét nghiệm dương tính thì cần chỉ định nội soi đại tràng.
+ Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (FIT) mỗi năm một lần
+ Xét nghiệm máu/hồng cầu tiềm ẩn trong phân mỗi năm một lần
+ Xét nghiệm DNA trong phân
3. Ung thư cổ tử cung.
– Nên được tầm soát từ tuổi 21. Nữ giới ở tuổi dưới 21 không cần tầm soát.
– Phụ nữ ở tuổi 21-29: nên được thực hiện xét nghiệm PAP test 3 năm một lần. Xét nghiệm HPV chưa cần chỉ định ở độ tuổi này trừ khi PAP test có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ.
– Phụ nữ ở tuổi 30-65: nên xét nghiệm PAP test và HPV 5 năm một lần.
– Phụ nữ trên 65 tuổi: nếu 10 năm gần đây tất cả các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung đều bình thường thì không cần tiếp tục. Nếu kết quả nghiêm trọng hoặc nghi ngờ thì cần tiếp tục tầm soát trong 20 năm tiếp theo.
– Phụ nữ đã cắt tử cung có kèm theo hoặc không kèm theo cắt cổ tử cung mà nguyên nhân không do ung thư cổ tử cung và không có tiền sử ung thư khác thì không cần kiểm tra.
– Phụ nữ đã tiêm chủng HPV vẫn được khuyến cáo tầm soát ung thư cổ tử cung bình thường.
– Phụ nữ bị nhiễm HIV, ghép tạng, … có chế độ tầm soát riêng không giống như phác đồ trên đây.
4. Ung thư nội mạc tử cung:
– Thường áp dụng cho phụ nữ mãn kinh
– Nếu phụ nữ đã mãn kinh nay có kinh trở lại hoặc ra máu âm đạo bất thường cần đi khám chuyên khoa sản phụ.
– Một số trường hợp có thể cần phải sinh thiết nội mạc tử cung.
5. Ung thư phổi
Tầm soát ung thư phổi không được áp dụng cho những người có nguy cơ trung bình trở xuống. Nếu bạn có đủ các điều kiện sau đây thì bạn cần thực hiện nghiêm túc tầm soát ung thư phổi:
– Tuổi từ 55 đến 74
– Có sức khỏe tốt
– Có hút thuốc lá và/hoặc thuốc lào với số lượng ít nhất là 30 bao – năm và đang tiếp tục hút HOẶC có hút thuốc lá trong thời gian 15 năm với số lượng bao năm bất kỳ.
Cách tính bao năm: số bao – năm = số điếu thuốc hút mỗi ngày x số năm hút.
– Khám sàng lọc: X quang lồng ngực hoặc CT Scanner khi có chỉ định.
6. Ung thư tiền liệt tuyến
– Nam giới từ tuổi 50 có thể cần tầm soát ung thư tiền liệt tuyến.
– Nếu có người thân là anh em trai hoặc cha bị ung thư tiền liệt tuyến trước tuổi 65 thì việc tầm soát ung thư tiền liệt tuyến nên được thực hiện từ tuổi 45.
– Xét nghiệm phổ biến là PSA trong máu.
Nguồn Hiệp hội ung thư Mỹ (ACS).
Lược dịch bởi BS. Đoàn Thoại
Ảnh minh họa: students4bestevidence