Bệnh Whitemore hay còn gọi là bệnh Melioidosis, là một bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm ở người hoặc động vật. Bệnh được gây nên bởi một loại vi khuẩn có tên là Burkholderia pseudomallei.
Bệnh xuất hiện chủ yếu ở các nước có khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là Đông Nam Á và phía Bắc của nước Úc.
Vi khuẩn gây bệnh này tồn tại ở trong đất và nước bị ô nhiễm. Chúng có thể lây truyền sang người và động vật do tiếp xúc trực tiếp với nguồn đất và nước ô nhiễm.
DỊCH TỄ HỌC
Mặc dù bệnh Whitemore có thể lây truyền ở tất cả các nước trên thế giới, Đông Nam Á và Bắc Úc là các vùng chủ yếu. Tại Mỹ, số ca thống kê được trong vài năm vừa qua là tối đa 5 ca xảy ra ở các trường hợp lây nhiễm trong quá trình du lịch các vùng có bệnh.
Các nước có số ca mắc bệnh Whitmore nhiều nhất: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Bắc Úc.
Các nước có số ca ít hơn: Papua New Guinea (Tân Ghi Nê), hầu hết các vùng Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam, Indonesia, Lào, Campuchia, Myanama.
Người và động vật có thể bị lây nhiễm do hít phải bụi bẩn hoặc giọt nước bị nhiễm bẩn có chứa vi khuẩn, tiếp xúc với đất ô nhiễm thông qua vết thương trên da.
Mặc dù có vài trường hợp đã được ghi nhận nhưng bệnh Whitemore vẫn được cho là hiếm khi lây truyền từ người sang người. Nguồn lây bệnh chủ yếu của bệnh vẫn là đất và nước ô nhiễm chứa vi khuẩn.
TRIỆU CHỨNG
Có một vài thể bệnh với những biểu hiện riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là bệnh whitmore rất đa dạng về triệu chứng, và có thể bị bỏ quên hoặc chẩn đoán nhầm sang bệnh khác như lao hoặc bệnh cảnh viêm phổi thông thường khác.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn khu trú: Vị trí tổn thương: sưng đau, loét, áp xe. Toàn thân có sốt.
Dấu hiệu viêm phổi: ho, đau ngực, sốt cao, đau đầu, chán ăn.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết: sốt, đau đầu, khó thở/suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa/đau bụng, đau khớp, rối loạn thăng bằng.
Nhiễm trùng lan tỏa: sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc đau ngực, đau cơ khớp, đau đầu, co giật.
Thời gian phơi nhiễm đến khi biểu hiện triệu chứng là không rõ ràng, có thể kéo dài từ một ngày đến nhiều năm. Nhìn chung các triệu chứng xuất hiện khoảng sau từ 2 đến 4 tuần sau khi nhiễm vi khuẩn.
CẬN LÂM SÀNG
Bệnh whitmore có thể được chẩn đoán xác định bằng cách nuôi cấy vi khuẩn Burkholderia pseudomallei từ máu, nước tiểu, đờm, mẩu mô bệnh, dịch áp xe. Hoặc xét nghiệm kháng thể kháng vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Ngoài ra, người bệnh có thể cần phải làm thêm các xét nghiệm bổ sung để đánh giá chức năng cơ quan (gan, thận, phổi, …) phù hợp với mục đích điều trị và theo dõi sau điều trị.
ĐIỀU TRỊ
Khi được chẩn đoán xác định, kháng sinh sẽ được chỉ định dùng theo phác đồ kinh nghiệm hoặc theo kháng sinh đồ. Thường bắt đầu bằng đường truyền tĩnh mạch, sau đó sử dụng đường uống.
PHÒNG BỆNH
Ở các nước phổ biến bệnh Whitmore, người bệnh bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với đất và nước ô nhiễm.
Người khỏe mạnh cũng mắc bệnh Whitmore, nhưng những người sau đây có nguy cơ cao hơn: đái đường, bệnh gan, bệnh thận, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, ung thư hoặc suy giảm miễn dịch không liên quan HIV, bệnh phổi mạn tính như xơ nang phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, bệnh giãn phế quản, …
Một số cách để giảm nguy cơ mắc bệnh:
– Những người có vết thương ngoài da, người có nguy cơ cao (như đái đường,…) nên hạn chế tiếp xúc với đất và nước bẩn ô nhiễm.
– Những người bắt buộc phải tiếp xúc như làm nông nghiệp, làm vườn, … thì có thể mang bảo hộ lao động như ủng để bảo vệ chân.
– Nhân viên y tế khi tiếp xúc người bệnh cần có đủ bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, áo choàng, …
Tài liệu dịch để cập nhật kiến thức, một số thuật ngữ có thể không hoàn toàn chính xác.
Nguồn tiếng Anh của Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ