Thắc mắc thường gặp về đo độ xơ hóa gan Fibroscan

Fibroscan là phương pháp mới, được Cục Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép lưu hành từ năm 2013. Đây là phương pháp không đau, không bức xạ, chẩn đoán tổn thương nhu mô gan mà không cần sinh thiết. Hiểu để sớm sử dụng dịch vụ là một phương pháp cần thiết bảo vệ gan của chính mình.

1. Fibroscan là gì ?

Fibroscan là viết tắt của hai từ tiếng Anh Firbrosis (độ đàn hồi, độ xơ hóa) và Scan (quét). Ý nghĩa dịch của từ này có nghĩa là dùng máy quét đo độ đàn hồi, độ xơ hóa.

Source: Echosens
Source: Echosens

2. Fibroscan để làm gì ?

Fibroscan được dùng để
– Đo mức độ độ đàn hồi gan từ đó đánh giá mức độ xơ hóa nhu mô gan trên những bệnh nhân có nguy cơ hoặc có bệnh lý gan mạn tính.
– Đo mức độ gan nhiễm mỡ.

3. Tại sao cần phải có fibroscan ?

Với hơn 1000 công trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy giá trị của Fibroscan có thể thay thế cho sinh thiết gan trong việc chẩn đoán sớm mức độ xơ hóa gan và chẩn đoán gan nhiễm mỡ chính xác hơn siêu âm.

Phương pháp này đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm – Hoa Kỳ cho phép lưu hành và ứng dụng trong lâm sàng từ 2013.

Fibroscan là một phương pháp không đau, không xâm lấn, phương thức thăm khám ngoài da, không có tác dụng phụ, không bị nhiễm xạ bởi tia X, có thể thực hiện thăm khám nhiều lần trong ngày và nhiều lần trong đời.

Chẩn đoán sớm mức độ xơ gan đặc biệt có ý nghĩa vì đem lại hiệu quả điều trị cao cho những bệnh nhân có nguy cơ cao bị xơ gan.

4. Lợi ích của fibroscan

Thông qua thực hiện đo bằng Fibroscan, bác sĩ có thể đánh giá mức độ xơ hóa gan của bạn. Điều này giúp cho bạn có định hướng lối sống, chế độ sinh hoạt dinh dưỡng cho phù hợp. Đồng thời có chế độ theo dõi định kỳ cho gan của bạn, có thể điều trị sớm theo các mức độ xơ hóa trong gan. Bệnh xơ gan chỉ có hiệu quả khi điều trị ở giai đoạn sớm và giai đoạn còn bù.

Fibroscan là phương thức thăm khám nhanh, chính xác (không có âm tính giả) và cho kết quả ngay lập tức.

5. Fibroscan thay thế cho những phương pháp gì ?

Theo phương thức thông thường, việc chẩn đoán xác định xơ gan và gan nhiễm mỡ được khẳng định bằng phương pháp sinh thiết gan. Tuy nhiên, phương pháp này rất phức tạp, đòi hỏi hệ thống máy cũng như một đội ngũ nhân viên thực hiện theo dõi trong và sau thực hiện thủ thuật.
Sinh thiết là thủ thuật xâm lấn trực tiếp nhu mô gan – một tổ chức có cấu trúc rất phức tạp và giàu mạch máu – nên có nhiều nguy cơ tai biến. So sánh giữa mức độ nguy hiểm với lợi ích mang lại thì sinh thiết rất ít khi được chỉ định. Vì vậy, việc chẩn đoán xơ gan và gan nhiễm mỡ thường được đánh giá bằng các phương pháp gián tiếp như siêu âm và xét nghiệm máu. Chính vì gián tiếp nên phương pháp này có nhiều sai sót, đặc biệt là chưa hiệu quả cao trong việc chẩn đoán sớm. Với xơ gan, việc chẩn đoán sớm có ý nghĩa sống còn bởi trong giai đoạn còn bù thì hiệu quả điều trị rất cao.

Với hơn 1000 công trình nghiên cứu cho thấy Fibroscan có thể thay thế sinh thiết gan.

6. Fibroscan có an toàn không ?

Fibroscan rất an toàn. Vì nguyên tắc sử dụng sóng âm trong thăm khám nên bạn không bị nhiễm xạ, đây là phương thức thăm khám không xâm lấn, không có tai biến và không bị dị ứng. Cho đến nay theo thống kê, chưa có một trường hợp tai biến hay có tác dụng phụ do đo fibroscan.

7. Fibroscan có chính xác không ?

Theo các nghiên cứu gần đây thì độ chính xác của fibroscan đối với đo độ xơ hóa gan có thể lên tới 90%. So với phương pháp siêu âm trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ thì fibroscan có độ chính xác cao hơn một cách rõ rệt và có ý nghĩa về mặt thống kê y học (đánh giá theo phương pháp nghiên cứu y học). Đặc biệt, fibroscan không có âm tính giả, có nghĩa là không có trường hợp nào bị bệnh mà được đo fibroscan cho kết quả bình thường.

8. Cần chuẩn bị gì trước khi đo fibroscan

Không ăn hoặc không uống gì trước khi đo fibroscan là 2 giờ. Nếu cần, bạn có thể uống một ngụm nước nhỏ, không nên uống nhiều.
Bạn không cần phải cởi bỏ quần áo, không phải cởi bỏ đồng hồ hay trang sức trên người. Các máy tạo nhịp tim, van tim nhân tạo, kim loại trong người … không ảnh hưởng đến kết quả đo.
Chúng tôi khuyến cáo với phụ nữ nên mặc một chiếc áo rộng đủ để bộc lộ vùng mạn sườn phải tương ứng với vùng gan để thuận tiện trong quá trình đo đạc.
Nếu có bất cứ câu hỏi gì, bạn đừng ngần ngại hỏi ngay bác sĩ thực hiện đo fibroscan cho bạn.

9. Fibroscan được chỉ định và chống chỉ định khi nào ?

– Chỉ định: Fibroscan được chỉ định rất rộngtrong thực tế lâm sàng để phát hiện, đánh giá giai đoạn, theo dõi hiệu quả điều trị và tiên lượng xơ hóa và nhiễm mỡ gan ở tất cả các bệnh nhân bị bệnh gan mạn. Bao gồm các trường hợp thường gặp:
+ Các bệnh viêm gan mạn do virus
+ Các bệnh chuyển hóa: đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, …
+ Bệnh gan do rượu.
+ Bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
+ Các bệnh gan khác: các bệnh lý sau ghép gan, bệnh gan ứ mật, sàng lọc bệnh gan mạn trong cộng đồng, …
– Chống chỉ định: hiện tại không có chống chỉ định cho fibroscan. Cho đến nay, fibroscan được coi là an toàn với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai và chưa có một thống kê có hại nào đối với hai đối tượng khách hàng này. Tuy nhiên, về mặt giá trị cần thiết nên cần cân nhắc trước khi thăm khám fibroscan.

10. Có những cảnh báo đặc biệt gì cho fibroscan không ?

Không có cảnh báo đặc biệt nào cho phương thức thăm khám fibroscan. Thậm chí ngay cả bạn có thai hoặc có bộ phận cấy ghép như máy tạo nhịp tim, van tim nhân tạo, răng giả, cấy ghép tạng như thận ghép, tim ghép, … thì vẫn không ảnh hưởng gì. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào hãy nói với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên thực hiện đo fibroscan để được lời khuyên và tư vấn chi tiết.

11. Trẻ em có đo được fibroscan không ?

Câu trả lời là có. Giống như siêu âm, Fibroscan có thể thực hiện trên trẻ em.

Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh thì hiện tại chưa có những nghiên cứu chính thức nên chưa có khuyến cáo dùng fibroscan. Mặt khác, dựa trên tính cần thiết và giá trị của phương pháp thì cả trẻ sơ sinh và trẻ em đều ít khi được chỉ định đo fibroscan.

12. Những việc làm ngay trước khi đo fibroscan ?

Bạn cần đăng ký với bộ phận tiếp đón, sau đó sẽ được đưa đến phòng ngồi chờ thực hiện đo fibroscan. Một điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên sẽ đưa bạn vào phòng. Bạn sẽ được hỏi tiền sử về bệnh lý gan mật.

Bạn có thể được mời nằm lên giường, bộc lộ vùng mạn sườn trái tương ứng với vùng gan. Nếu gan của bạn nằm bên trái (trong trường hợp đảo ngược phủ tạng), bạn có thể được nằm ngược lại và bộc lộ vùng mạn sườn trái.

Tay phải của bạn được đưa lên đầu. Bạn được mời nằm hơi chéo, hơi ưỡn vùng mạn sườn phải nơi được đặt đầu dò fibroscan. Mục đích của việc ưỡn là để tăng khoảng cách khoang liên sườn vùng mạn sườn nơi đặt đầu dò fibroscan. Ngay trước khi đo, bạn có thể được yêu cầu hít sâu sau đó nín thở trong một thời gian ngắn có thể.

13. Điều gì xảy ra trong khi đo fibroscan ?

Ngoài việc hít sâu sau đó nín thở trong thời gian ngắn, bạn không cần phải làm gì trong quá trình máy fibroscan thực hiện đo. Thời gian đo thường rất ngắn. Nếu bạn không quá béo, độ dày da mỡ bình thường thì thời gian đo khoảng 5-10 phút / người. Quá trình đo liên tục máy sẽ tự động lấy thông số 9 lần. Máy sẽ được lập trình tự động để lấy giá trị trung vị trong 9 kết quả đo, không phải lấy giá trị trung bình. Giá trị trung vị có nghĩa là máy sẽ tự động sắp xếp 9 giá trị đo được theo thứ tự từ thấp đến cao, sau đó máy sẽ lấy giá trị ở giữa của dãy sắp xếp này. Như vậy, trong quá trình đo, nếu đo sai 1 trong 9 lần đo thì không ảnh hưởng kết quả.

14. Điều gì xảy ra sau khi đo fibroscan ?

Ngay sau khi đo, bạn sẽ được mời cung cấp thông tin về cân nặng và chiều cao. Sau đó, máy sẽ tự động tính toán và in kết quả. Thời gian máy tính toán diễn ra khoảng 2 phút.

Bạn sẽ được dùng giấy để lau gel bôi lên vùng đầu dò để đo. Đây là gel y tế đảm bảo tính chất truyền âm, không mùi không vị và không bị dị ứng.

15. Khi nào sẽ có kết quả ?

Ngay sau khi máy fibroscan in kết quả (bằng tiếng Anh), bác sĩ chuyên khoa sẽ đọc và phân loại mức độ xơ hóa gan – độ gan nhiễm mỡ và trả kết quả. Thời gian gõ kết quả cho mỗi khách hàng là khoảng 5 phút.

16. Chúng tôi muốn biết thêm chi tiết thì chúng tôi liên hệ với ai ?

Hiện tại, Bệnh viện MEDLATEC có đặt máy fibroscan 502 touch tại cơ sở 99 Trich Sài – Tây Hồ – Hà Nội. Giá dịch vụ mỗi lần thăm khám là 500.000 VNĐ. Để biết thêm thông tin chi tiết, mời bạn liên hệ tổng đài 1900 56 56 56. Ngoài ra, trong quá trình thăm khám, bạn có thắc mắc hay lo lắng gì, đừng ngần ngại hãy hỏi kỹ thuật viên đo fibroscan hoặc liên hệ bác sĩ đọc kết quả để được giải đáp.

————————

Tài liệu tham khảo

1. Andrew Lemalre RN. Fibroscan and liver disease. Toronto General Hospital. Www.torontoliver.ca. December 2015.

2. Armstrong MJ, Corbett C, Hodson J, et al. Operator training requirements and diagnostic accuracy of Fibroscan in routine clinical practice. Postgrad Med J 2013 Dec; 89(1058): 685-692

3. Frulio N and Trillaud H. Ultrasound elastography in liver. Diagnostic and Interventional Imaging 2013 May; 94(5): 515-534

4. Hua J, Liu GQ, Bao H, et al. The role of liver stiffness measurement in the evaluation of liver function and esophageal varices in cirrhotic patients. Journal of Digestive Diseases 2015 Feb; 16(2): 98-103

5. Keyur Patel M.D et al. Fibroscan.Clinical liver Disease, Vol 4, No.5, November 2014

6. M. Beaugrand et al. Assessment of Fibroscan. Service d’Hépatologie Hopital J. Verdier Bondy 93143. September 2014.

7. Nguyễn Nghiêm Luật. Fibroscan: một kỹ thuật siêu âm đàn hồi có giá trị trong chẩn đoán mức độ xơ hóa và nhiễm mỡ gan. Bệnh viện đa khoa MEDLATEC. Www.medlatec.vn

8. Nezam H. Afdhal et al. Fibroscan (Transient Elastography) for the Measurement of Liver Fibrosis. Gastroenterol Hepatol (N Y). 2012 Sep; 8(9): 605–607.

8. Puan Noormah Darus et al. Health technology assessment section medical development division ministry of health Malaysia. Www.moh.gov.my. 2008

9. Sandrin et al. Ultrasound Med Biol 2003; 29:1-8

10. Tapper EB, Castera L, Afdhal NH. FibroScan (Vibration-Controlled Transient Elastography): Where Does It Stand in the United States Practice. Clin Gastroenterol Hepatol 2015; 13(1): 27-36

11. Karlas T, Petroff D, Garnov N, et al. Non-invasive assessment of hepatic steatosis in patients with NAFLD using controlled attenuation parameter and 1H-MR spectroscopy. PloS One 2014 Mar 17; 9(3): e91987.

12. William Kemp et al. Fibroscan and transient elastography. AFP magazine, volume 42, No. 7. July 2013. Pages 468-471.

13. William Blahd. Fatty liver disease: Symtoms, Diagnosis and Treatment. WebMD Medical Reference. Public July 2014.

http://www.webmd.com/hepatitis/fatty-liver-disease

14. Andrea Marie Macabuag-Oliva et al. A Comparison of the Sensitivity and Specificity of Ultrasound Elastography Compared to Liver Ultrasound, ALT, and AST in the Detection of Fatty Liver and Fibrosis in Patients with Metabolic Syndrome and Type 2 Diabetes Mellitus. Journal of the Asean Federation of Endocrine Societies. Vol 29, No. 1 (2014).
http://www.asean-endocrinejournal.org/index.php/JAFES/article/view/117/305#_edn13

15. M Yoneda et al. Transient elastography in patients with non‐alcoholic fatty liver disease (NAFLD). Gut. 2007 Sep; 56(9): 1330–1331.
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1954961/

Post Comment