Siêu âm ứ nước thận – Bài giảng bệnh viện Bạch Mai

I. CÁC MỨC ĐỘ Ứ NƯỚC

1. Giai đoạn đầu:

Thành của các thân của các đài thận và thành của các đài thận bị tách nhau ra bởi sự tích tụ nước tiểu tạo nên các hình rỗng âm bắt đầu từ đỉnh tháp Malpighi hội tụ về phía bể thận. Bể thận căng nước tiểu nhưng đường kính trước – sau bể thận < 3cm. Đáy các đài vẫn cong lõm ra phía ngoài. Sự hội tụ của các đài thận về phía bể thận thấy rõ nhất trên các lát cắt theo mặt phẳng mặt (coupes frontales). Ứ nước giai đoạn đầu có thể gặp trong tình trạng sinh lý như: tăng bài niệu, bằng quang căng, ba tháng cuối của thời kỳ thai nghén. 2. Giai đoạn ứ nước thực sự – Kích thước trước-sau của bể thận >3cm, các đài nhỏ giãn rõ với đáy cong lồi ra phía ngoài. Các đài bể thận giãn thông nhau và hội tụ về phía bể thận giống hình “tai chuột Mickey”.
– Nhu mô thận teo mỏng

Khi phân tích hình ảnh thận ứ nước cần xác định rõ: giãn các đài thận khu trú biểu hiện bệnh lý khu trú một vùng của thận; giãn toàn bộ đài bể thận, có thể giãn niệu quản biểu hiện của tắc nghẽn vùng thấp hơn.

3. Giai đoạn ứ nước nặng

Thận rất to, biểu hiện bằng một hoặc nhiều vùng dịch chiếm cả hoặc một phần hố thắt lưng. Các vùng dịch này cách biệt nhau bởi các vách ngăn không hoàn toàn ví chúng thông với nhau. Nhu mô thận rất mỏng, nhiều khi chỉ còn lại một lớp mỏng như thành của các đài thận.

II. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

ứ nước thận có thể nhầm với:

– Nang cạnh đài bể thận, thận đa nang: thường có nhiều nang, các nang này không thông với nhau và không thông với bể thận.

– Các tháp Malpighi ít âm thấy ở một số người bình thường hoặc ở trẻ mới đẻ. Các hình tháp thường có hình tam giác đáy quay ra ngoài, đỉnh hướng về bể thận.

U mỡ vùng xoang thận có thể ít âm và giống đài bể thận giãn.

III. CHẨN ĐOÁN VỊ TRÍ VÀ NGUYÊN NHÂN Ứ NƯỚC

1. Giãn khu trú một đài hoặc một nhóm đài biểu hiện tắc ở cổ các đài hoặc nhóm đài này, thường do: sỏi, lao, viêm nhiễm khu trú hoặc u chèn ép. Đặc biệt lao thường gây hẹp cổ đài nhỏ và làm giãn đài tao nên hình “cốc rượu champagne”. Sự giãn các đài thận khu trú thường dễ phát hiện trên các lát cắt theo mặt phẳng chính diện (coupes frontales).

2. Giãn các đài bể thận không kèm theo giãn niệu quản có thể do: sỏi bể thận hoặc đầu trên niệu quản, u bể thận hoặc u đầu trên niệu quản, hội chứng nối (syndrome de la jonction).

3. Giãn đài bể thận kèm theo giãn niệu quản từng phần hoặc toàn bộ (ứ nước thận niệu quản) do: sỏi niệu quản, u niệu quản, các khối u bàng quang, tiền liệt tuyến, dị dạng thận tiết niệu (niệu quản cắm lạc chỗ, sa lồi niêm mạc niệu quản vào bàng quang).

IV. BIẾN CHỨNG CỦA Ứ NƯỚC THẬN

1. Ứ mủ thận

– Giai đoạn nhiễm trùng nước tiểu: không có dấu hiệu nào để phân biệt với ứ nước tiểu đơn thuần. Đôi khi với đầu dò tần số cao có thể thấy các âm vang trong vùng dịch lan toả hoặc sự láng cặn ở một vùng nào đó.

– Giai đoạn thận ứ mủ:
Thành của đài bể thận không nét, có khi dày lên. Nước tiểu không trong, có nhiều lắng cặn có thể thấy lắng cặn di chuyển khi thay đổi tư thế bệnh nhân hoặc khi ấn đầu dò. Đôi khi mủ tập trung thành khối mủ tăng âm không kèm bóng cản.

2. Vỡ các đài thận

Nước tiểu thoát ra quanh thận hoặc lan rộng sau phúc mạc hoặc tụ thành khối nước tiểu (urinome).

Post Comment