Siêu âm sỏi hệ tiết niệu – Bài giảng bệnh viện Bạch Mai

I. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH

Siêu âm có thể phát hiện sỏi với kích thước  3mm, có thể chẩn đoán vị trí, hình thể của sỏi. Cũng như sỏi mật, sỏi hệ tiết niệu biểu hiện bằng một hình đậm âm kèm bóng cản. Hình siêu âm không thay đổi theo cấu trúc hoá học của sỏi, không thay đổi theo sự cản quang hay không của sỏi khi chụp điện quang. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sỏi tiết niệu chỉ biểu hiện bằng một hình vòng cung tăng âm kèm theo bóng cản.

Các yếu tố ảnh hưởng tới hình bóng cản:

– Kích thước sỏi: sỏi càng lớn bóng cản càng rõ, những sỏi < 3mm thường không kèm bóng cản vì vậy khó được phát hiện trên siêu âm. Sỏi  3mm thương đã có bóng cản rõ.

– Môi trường bao quanh sỏi:

+ Bóng cản khó nhìn thấy khi sỏi nằm trong vùng tổ chức đặc không đồng đều như vùng xoang thận. Tại các vùng này bóng cản thương bị che lấp bởi các âm nhiễm. Vì vậy, khi tìm sỏi trong vùng này nên để gain thấp.

+ Vùng hội tụ của đầu dò: nếu sỏi nằm trước vùng hội tụ của đầu dò thì bóng cản rõ hơn.

+ Âm nhắc lại hoặc hiện tượng phản xạ nhiều lần có thể che lấp một phần bóng cản âm.

II. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

1. Sỏi thận

Cần chẩn đoán phân biệt với:

– Các nốt vôi hoá trong nhu mô: nằm ở vùng vỏ thận, không có nước tiểu bao quanh, không liên quan tới các đài thận.

– Các nốt mỡ tăng âm: không kèm theo bóng cản, không gây giãn các đài thận.

– Hơi ở đại tràng hoặc gai ngang cột sống: hình này thường nhầm với sỏi san hô hoặc sỏi lớn nằm ở bể thận, nhất là trường hợp bể thận nằm lồi ra khỏi vùng xoang thận (bassinet extrasinusal).

Nguyên tắc chung của chẩn đoán phân biệt là sỏi tiết niệu luôn luôn đi kèm bóng cản, thăm khám thận ở nhiều hướng cắt khác nhau, ở nhiều thì khác nhau của nhịp thở: sỏi thận và bóng cản di chuyển đồng bộ với nhau và di chuyển theo nhịp thở.

2. Sỏi niệu quản

Cần theo dõi niệu dọc theo đường đi của niệu quản từ trên xuống dưới để chắc chắn hình đậm âm kèm bóng cản nằm trong niệu quản. Nếu không chúng ta rất dễ nhầm sỏi niệu quản với rất nhiều hình giống sỏi chồng lên đường đi của niệu quản (hơi trong ống tiêu hoá, hạch mạc treo vôi hoá…). Sỏi niệu quản dễ tìm thấy ở 1/3 trên và đoạn sát bàng quang, đoạn 1/3 giữa nhiều khi rất khó, có thể phải kết hợp với phim chụp hệ tiết niệu không chuẩn bị. Để tìm sỏi niệu quản dễ dàng hơn nên khám siêu âm khi bàng quang căng nước tiểu.

3. Sỏi bàng quang

Cần chẩn đoán phân biệt với:

– Các cục máu đông: không kèm bóng cản, đậm độ âm thấp hơn sỏi.

– U bàng quang: có một số u bàng quang bề mặt có bóng cản do có nhiều lông nhung trên bề mặt hoặc bề mặt có vôi hoá. Các khối u này không di động theo tư thế bệnh nhân và có thể có thâm nhiễm sâu vào thành bàng quang.

Post Comment