[Bộ Y tế] Chẩn đoán xquang thực quản

1. KỸ THUẬT THĂM KHÁM

Chụp thực quản có uống thuốc cản quang: Thuốc cản quang hay sử dụng nhất là dịch treo barisulfat hoặc dịch treo barisulfat kết hợp với khí trong trường hợp chụp thực quản đối quang kép. Những trường hợp nghi ngờ có thủng thực quản hay chụp ngay sau khi mổ phải sử dụng thuốc cản quang tan trong nước.

Ngoài ra một số thăm khám hình ảnh khác có thể áp dụng để thăm khám thực quản: Chụp cắt lớp vi tính, siêu âm-nội soi (écho-endoscopie)…

2. GIẢI PHẪU X QUANG BÌNH THƯỜNG

Thực quản bình thường gồm ba đoạn:
– Thực quản cổ, khá ngắn.
– Thực quản ngực: Nằm trước cột sống với bờ rõ nét, có hai chỗ lõm ở bờ trước trái do quai động mạch chủ và phế quản gốc trái đè vào.
– Thực quản bụng rất ngắn và được kết thúc bởi tâm vị nằm ở mặt sau trong của phình vị lớn dạ dày và tạo với phần này một góc nhọn gọi là góc His.
– Sau mỗi lần ngụm baryt trôi qua, lòng thực quản tự khép lại và baryt đọng lại giữa các nếp niêm mạc tạo nên 2-3 đường song song đều đặn.

3. TRIỆU CHỨNG X QUANG

3.1. Rối loạn chức năng thực quản

– Chứng rối loạn vận động do sóng thứ cấp hay sóng phản nhu động: Các sóng này xuất phát từ phần thấp của thực quản ngực và truyền lên cao, hay gặp trong chứng co thắt tâm vị giai đoạn đầu. Các dấu hiệu này thấy được khi chiếu trên màn tăng sáng.

– Rối loại vận động do sóng thứ ba: Dọc theo chiều dài bờ thực quản xuất hiện những chỗ lõm nông, nếu nặng sẽ tạo nên sự co thắt nhiều tầng.

3.2. Các tổn thương thực thể

– Hẹp thực quản: Là biểu hiện bệnh lý hay gặp nhất. Những hình hẹp ác tính thường lệch trục, bờ không đều; vùng nối tiếp giữa phần lành và phần tổn thương dốc đứng. Trong trường hợp hẹp lành tính đoạn hẹp thẳng trục, bờ đều đặn, tiếp nối giữa phần lành và phần tổn thương chuyển đổi từ từ.

– Hình khuyết: Hình thành do khối tăng sinh trong lòng thực quản hoặc thực quản bị đè từ ngoài vào. Hình này có thể nằm ở bờ thực quản hoặc ở bề mặt tạo nên những vùng khuyết sáng bờ nham nhở hoặc nhẵn tuỳ theo nguyên nhân.

– Hình ổ loét: Là những hình ổ đọng thuốc lồi lên trên bờ thực quản, thường hay ở vùng 1/3 dưới thực quản do chứng trào ngược dịch vị.

– Hình cứng: Một đoạn của bờ thực quản mất nhu sóng nhu động và có thể sụt vào trong lòng biểu hiện của sự dày khu trú của thành thực quản, thường gặp trong ung thư thể thâm nhiễm.

4. MỘT SỐ BỆNH LÝ THỰC QUẢN HAY GẶP

4.1. Ung thư thực quản

Hiện nay chẩn đoán ung thư thực quản chủ yếu dựa vào nội soi kết hợp với sinh thiết. X quang thực quản được thực hiện trước khi mổ hoặc khi ống soi không thể đi qua đoạn hẹp. Trong những trường hợp này X quang thực quản có vai trò xác định vị trí, chiều dài, giới hạn trên và giới hạn dưới của tổn thương, đồng thời đánh giá tình trạng của dạ dày.

Có 3 thể ung thư thực quản, chúng thường phối hợp với nhau:

– Thể thâm nhiễm thể hiện bằng hình hẹp lệch trục, ngoằn ngèo, khúc khuỷu. Nếu ở giai đoạn sớm có thể thấy hình cứng đục khoét.

– Thể u sùi: Biểu hiện bằng những hình khuyết bờ không đều; những nụ sùi lớn có thể làm tắc lòng thực quản.

– Thể loét sùi: Khi các khối u bị hoại tử tạo nên những hình ổ đọng thuốc giữa các hình khuyết. Thể ung thư này biểu hiện bằng một ổ loét bao quanh bởi một gờ sáng gọi là loét thấu kính.

– Ngoài ra, các phương pháp thăm khám khác có thể đánh tổn thương ung thư:

+ Siêu âm-nội soi: Xác định mức độ thâm nhiễm nông, sâu của tổn thương và tìm kiếm các hạch cạnh thực quản.

+ Nội soi ống mềm: Chẩn đoán xác định, đánh giá sự thâm nhiễm vào cây khí phế quản.

+ Chụp cắt lớp vi tính: Làm bản tổng kết các tổn thương hình ảnh, chẩn đoán xác định, chẩn đoán vị trí, đồng thời đánh giá sự thâm nhiễm gần cũng như di căn xa của tổn thương ung thư.

4.2. Các bệnh viêm thực quản

– Viêm thực quản do chất ăn da (xút, nước Javel, a xít…): lúc đầu thực quản bị viêm do bỏng, về sau bị hẹp do sẹo xơ hoá. Thực quản thường bị hẹp 1/3 dưới, hẹp thẳng trục, dài và bờ đều. Lưu thông qua chỗ hẹp liên tục.
– Viêm thực quản do tia xạ: Thường xuất hiện 6 tháng sau khi điều trị bằng tia xạ. Đoạn hẹp khu trú ở vùng điều trị tia, đôi khi kèm theo loét.

4.3. Phình to thực quản hay co thắt tâm vị

Thực quản phình to gấp hai, ba hoặc bốn lần bình thường, dài và gập khúc sang phải tạo nên khối mờ không đồng đều vùng trung thất phải trên phim chụp ngực. Chụp thực quản có baryte thấy thực quản bị hẹp ngay tại tâm vị, thẳng trục, phía trên thực quản giãn to đều. Các dấu hiệu này làm cho thực quản giống hình củ cải, hình mũi kiếm. Lưu thông qua tâm vị không liên tục do nó chỉ xẩy ra khi trọng lượng của thức ăn và dịch vượt qua một ngưỡng nào đó để thắng được lực co thắt ở tâm vị. Sự lưu thông này giải thích cho triệu chứng không có hoặc rất ít hơi trong dạ dày.

4.4. Túi thừa thực quản

Hình túi cản quang có cổ dính vào thành thực quản, thường nằm ở 1/3 giữa hoặc ngay trên cơ hoành. Kích thước túi thừa thay đổi to nhỏ khác nhau, có khi rất to và nằm ngay trên bờ phải thực quản sát trên cơ hoành.

4.5. Giãn tĩnh mạch thực quản

Trong trường hợp tăng áp lực tĩnh mạch cửa, các đám rối tĩnh mạch dưới niêm mạc của thực quản phải đảm bảo chuyển máu của tĩnh mạch cửa về tĩnh mạch chủ do vậy sẽ bị giãn ra tạo nên những hình sáng tròn tập trung như chùm nho hoặc các vệt sáng dài ngoằn ngoèo, đôi khi tạo hình ảnh giả u.

4.6. Thoát vị hoành

Có các loại thoát vị sau:
– Thoát vị trượt, hay gặp nhất: Tâm vị trượt qua lỗ hoành kéo theo túi phình dạ dày nằm trên vòm hoành.
– Thoát vị cuộn hay thoát vị cạnh thực quản, hiếm hơn. Tâm vị nằm dưới cơ hoành chỉ có túi hơi chui qua lỗ hoành và nằm trên cơ hoành.
– Thoát vị trượt và cuộn có thể phối hợp với nhau trong trường hợp khối thoát vị lớn, hay gặp ở người già.
– Thoát vị trượt kèm theo ngắn thực quản bẩm sinh: Thực quản ngắn, túi hơi nằm trên vòm hoành. Loại này thường kèm theo viêm thực quản dẫn tới hẹp và đôi khi kèm theo loét thực quản.

Post Comment