[Bộ Y tế] Chẩn đoán Xquang ruột non

1. KỸ THUẬT THĂM KHÁM

1.1. Chụp lưu thông ruột non cản quang

– Phương pháp uống: Bệnh nhân nhịn ăn sáng, uống một lượng ba-rít đặc (gói 120g+ 180ml nước). Theo dõi sự lưu thông của thuốc, 30 phút chụp một phim kết hợp với ép có mức độ, cho tới khi thuốc tới manh tràng, thường sau 8 giờ.

– Phương pháp thụt ruột non bằng cách đặt ống thông vào tá tràng để bơm một lượng lớn chất cản quang. Đồng thời có thể kết hợp bơm hơi để chụp đối quang kép. Đây là phương pháp tốt nhất để chụp lưu thông ruột non.

– Ngoài ra có thể sử dụng phương pháp uống kết hợp với lưu thông gia tốc hoặc uống thành liều nhỏ để tránh sự chồng các quai ruột và rút ngắn thời gian thăm khám hơn.

Chụp lưu thông ruột non là một trong những phương pháp tốt để chẩn đoán các bệnh lý hỗng-hồi tràng lan toả cũng như khu trú.

1.2. Siêu âm và chụp cắt lớp vi tính:

Để đánh giá thành ruột non và các cấu trúc mạc treo tương ứng. Hiện nay, với chụp cắt lớp đa dãy đầu dò và cộng hưởng từ có thể khảo sát ruột non tốt hơn.

2. GIẢI PHẪU X QUANG BÌNH THƯỜNG

2.1. Định khu: Các quai hỗng tràng cuộn lại dưới mạng sườn trái, dưới bờ cong lớn dạ dày; các quai hồi tràng sắp xếp ở vùng hạ vị và hố chậu phải.

2.2. Hình thái: Hỗng tràng có khẩu kính từ 2-3cm, các nếp gấp nằm sát nhau và rất mảnh giống hình lá dương xỉ. Hồi tràng hẹp hơn chỉ từ 1-2cm và có ít nếp gấp hơn. Bình thường ruột non dễ di động và dễ dàn trải ra khi ép.

3. TRIỆU CHỨNG ĐIỆN QUANG VÀ MỘT SỐ BỆNH LÝ HAY GẶP

3.1. Các dây chằng và dính phúc mạc: một hoặc nhiều quai ruột dính kết lại và hội tụ về một điểm, một số quai giãn và một số quai hẹp lại.

3.2 Các khối u trong lòng ruột non: Biểu hiện bằng các hình khuyết và thường dẫn đến lồng ruột.

3.3. Các ổ loét và các khối u thâm nhiễm thường dẫn đến hình ảnh hẹp. Những đoạn hẹp ngắn, lệch trục nằm ở hỗng tràng thường là biểu hiện của u tuyến ruột non.

Những ổ loét rộng giả túi thừa, kèm theo hoặc không những tổn thương thâm nhiễm dạng polype, trải rộng từ hồi tràng thường gặp trong ung thư bạch huyết (lymphosarcome).

3.4. Bệnh Cronh hay viêm đoạn cuối hồi tràng:

Hay gặp ở đoạn cuối hồi tràng, nhưng có thể thấy ở bất kỳ đoạn nào của ruột non, có khi lan sang cả đại tràng. Trên phim đầy thuốc thấy đoạn tiểu tràng tổn thương hẹp bờ cứng không nhu động, các quai phía trên giãn. Đến thời kỳ toàn phát đoạn hẹp có thể bằng cái bút chì. Bệnh tiến triển thành từng đợt liên tiếp, các quai ruột dính vào nhau không tách ra được. Áp xe, rò là những biến chứng hay gặp của bệnh này.

3.5. Lao ruột non:

Trước khi có loét, hình ruột non cũng giống như trong các bệnh viêm ruột non khác: Niêm mạc phù nề, các nếp ngang dày lên, các quai ruột mất thúc tính. Khi có loét thì bờ ruột trở nên nham nhở, có những quai hẹp xen lẫn với những quai giãn. Ở giai đoạn nặng hơn các quai ruột dính vào nhau mà ép, nắn, hoặc thay đổi tư thế bệnh nhân cũng không tách được.

Post Comment