[Bộ Y tế] Các phương pháp thăm khám và giải phẫu Xquang lồng ngực

1. KỸ THUẬT THĂM KHÁM

1.1. Các phương pháp X quang quy ước

1.1.1. Chiếu X quang

Ưu điểm: Thăm khám phổi ở trạng thái động nhằm đánh giá sự thay đổi của tổn thương theo nhịp thở và nhịp đập của tim. Đây là phương pháp thăm khám đơn giản, dễ sử dụng, có kết quả nhanh chóng, giá thành rẻ.

Nhược điểm: Độ nhiễm xạ cao (gấp 100 – 150 lần/phim), kết quả không khách quan, độ nhậy và độ chính xác của các dấu hiệu kém, vì vậy không còn là phương pháp sử dụng một cách hệ thống để phát hiện bệnh lý lồng ngực.
Chiếu qua tăng sáng truyền hình đã hạn chế được một phần nhược điểm trên.

1.1.2. Chụp ngực thẳng: Bệnh nhân đứng, hít vào sâu, tia X đi từ sau ra trước:

– Chụp với điện thế thấp: Tiêu chuẩn là thấy được ba đốt sống ngực đầu tiên trên phim. Kiểu chụp này cho hình ảnh có độ tương phản cao giữa phổi (đen trên phim) và các cấu trúc khác (trắng) do vậy phần lớn nhu mô phổi bị che lấp, nhiều chi tiết của trung thất không được bộc lộ trên phim.

– Chụp với điện thế cao: Tiêu chuẩn là thấy được hình toàn bộ cột sống ngực với các cấu trúc của trung thất, đồng thời thấy được lưới mạch máu phổi tới các nhánh ở cách thành ngực 1,5 cm, hình ảnh có độ tương phản kém nhưng cho phép quan sát được nhiều các cấu trúc của phổi (phần sau tim, sau xương, đáy phổi lấp sau cơ hoành) và đặc biệt là của trung thất (động mạch chủ ngực, các đường trung thất, phế quản gốc…).

1.1.3. Chụp ngực nghiêng

Trước đây thường được chỉ định khi thấy tổn thương nghi ngờ trên phim chụp thẳng, tổn thương bên nào thì chụp nghiêng bên đó để hình ảnh tổn thương nét và ít bị phóng đại hơn. Ngày nay người ta chụp nghiêng bên trái để bóng tim không bị phóng đại, quan sát được nhiều trường phổi hơn.

1.1.4. Chụp chếch: Đôi khi cần thiết để bộc lộ rõ tổn thương, tách khỏi các tổ chức lân cận, thường chếch khoảng 15 độ khi nghiên cứu lưỡi phổi trung thất.

1.1.5. Chụp khi thở ra: Cho phép đánh giá mức độ di động của cơ hoành, phát hiện các trường hợp tràn khí màng phổi ít, đánh giá giãn phế nang, rối loạn thông khí.

1.1.6. Chụp ngực thẳng ở tư thế bệnh nhân nằm nghiêng (tia X đi ngang) để đánh giá sự di chuyển của các hình ảnh, đặc biệt là để phân biệt tràn dịch tự do hay khu trú.

1.1.7. Chụp đỉnh phổi: Nhằm đẩy bóng của xương đòn lên cao. Tư thế này không chỉ được dùng trong bộc lộ tổn thương của đỉnh phổi mà còn của thuỳ giữa và chân rãnh liên thuỳ lớn.

1.1.8. Chụp thực quản cản quang: Cần thiết khi nghi có tổn thương của trung thất giữa, dò thực quản – khí quản.

1.1.9. Chụp cắt lớp cổ điển: Dựa trên nguyên tắc di chuyển bóng phát tia X và phim trong khi bệnh nhân được giữ nguyên. Kiểu chụp này cho chất lượng hình ảnh kém, ít thông tin nên không còn được sử dụng nữa.

1.2. Chụp cắt lớp vi tính

Cho hình ảnh theo lớp cắt, có độ tương phản cao, cho phép phân biệt rõ ràng các cấu trúc khác nhau của lồng ngực: Xương, phổi, cơ, các thành phần của trung thất… Với các lớp cắt mỏng (1mm), nó cho phép nghiên cứu các cấu trúc rất nhỏ của phổi. Thế hệ các máy chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc, độ phân giải cao, có thời gian chụp nhanh cho phép nghiên cứu bệnh lý mạch máu như tắc, phình mạch…

1.3. Siêu âm

Cho phép quan sát các tổn thương của thành ngực, màng phổi, trung thất và các tổn thương của phổi nằm sát thành ngực. Siêu âm thường được chỉ định đối với những tổn thương phần mềm thành ngực, tràn dịch màng phổi, các tổn thương của màng phổi và u phổi sát thành ngực.

1.4. Chụp mạch

Có hai hệ thống động mạch phổi:

Để chụp động mạch phổi, phải đi qua đường tĩnh mạch, luồn ống thông chụp mạch qua nhĩ phải, thất phải lên động mạch phổi và bơm thuốc cản quang.
Chụp động mạch phế quản thì đi theo đường động mạch (đường vào từ động mạch đùi).

Hiện nay, chụp mạch máu với mục đích chẩn đoán thường ít được chỉ định mà chủ yếu là chụp mạch kết hợp điều trị.

1.5. Ghi hình đồng vị phóng xạ

Có hai phương pháp thăm dò.

– Dùng thuốc qua đường hô hấp: Được tiến hành với khí Xê nông 133, ghi hình phân bố khí ở nhịp hít vào đầu tiên, các lần ghi hình sau giúp đánh giá mức độ thông khí.

– Dùng thuốc qua đường mạch máu: (dùng đồng vị Tc 99m) Cho phép đánh giá sự phân bố máu ở phổi. Đồng vị Xê nông 133 cũng có thể tiêm được vào mạch máu với một máy đặc biệt cho phép nghiên cứu thông khí và tưới máu.

1.6. Chụp cộng hưởng từ

Chỉ định của phương pháp hình ảnh này còn hạn chế đối với các tổn thương nhu mô phổi. Ngược lại, cộng hưởng từ cho phép đánh giá rất tốt các thành phần trung thất, đặc biệt là tim và các mạch máu.

2. HÌNH ẢNH LỒNG NGỰC BÌNH THƯỜNG

2.1. Khí quản và phế quản gốc

Khí quản nằm thẳng chính giữa lồng ngực, có thể hơi lệch sang phải và có dấu ấn của quai động mạch chủ ở bờ bên trái. Ngang mức đốt sống lưng thứ 5, khí quản phân chia thành hai phế quản gốc, góc giữa hai phế quản gốc 45 o -75o, phế quản gốc phải dốc và to hơn bên trái.

Trên phim nghiêng, hình khí quản trông rất rõ, chếch xuống dưới và ra sau. Phế quản gốc phải đi tiếp theo trục của khí quản, còn phế quản gốc trái đi ngang nên có khi chỉ biểu hiện bằng một hình tròn hoặc hình thoi.

2.2. Các rãnh liên thuỳ và sự phân chia các thuỳ phổi

Lá tạng màng phổi có các rãnh lấn sâu vào nhu mô tới sát rốn phổi tạo thành các rãnh liên thuỳ chia phổi thành các thuỳ. Phổi phải có hai rãnh liên thuỳ: Rãnh liên thuỳ lớn và rãnh liên thuỳ nhỏ chia phổi thành 3 thuỳ: Thuỳ trên, thuỳ giữa, và thuỳ dưới. Phổi trái chỉ có một rãnh liên thuỳ chia phổi thành hai thuỳ: Thuỳ trên và thuỳ dưới. Đôi khi có các rãnh liên thuỳ phụ: Rãnh quai tĩnh mạch đơn, rãnh liên thuỳ đáy trong và rãnh liên thuỳ phân cách phân thuỳ VI với các phân thuỳ còn lại của thùy dưới. Ở trạng thái bình thường, chỉ có thể nhìn thấy các rãnh liên thuỳ trên phim lồng ngực khi tia X đi song song với các rãnh liên thuỳ.

Cấu trúc của cây phế quản quyết định sự phân chia phổi thành các phân thuỳ.

Phổi phải được phân chia thành 10 phân thuỳ:
+ Thuỳ trên có 3 phân thuỳ:
– Phân thuỳ đỉnh 1.
– Phân thuỳ sau 2.
– Phân thuỳ trước 3.
+ Thuỳ giữa có 2 phân thuỳ:
– Phân thuỳ sau ngoài 4.
– Phân thuỳ trước trong 5.
+ Thuỳ dưới có 5 phân thuỳ:
– Phân thuỳ đỉnh (còn được gọi là phân
thuỳ Nelson) 6.
– Phân thuỳ cạnh tim 7.
– Phân thuỳ nền trước 8.
– Phân thuỳ nền bên 9.
– Phân thuỳ nền sau 10.

Phổi trái được phân chia thành 9 phân thuỳ:

+ Thuỳ trên: Có ba phân thuỳ ở đỉnh cùng tên như bên phải và hai phân thuỳ của thuỳ lưỡi: Tương đương với thuỳ giữa phổi phải. – Phân thuỳ lưỡi trên 4.
– Phân thuỳ lưỡi dưới 5.

+ Thuỳ dưới: Không có phân thuỳ cạnh tim, gồm
– Phân thuỳ đỉnh 6.
– Phân thuỳ nền trước 8.
– Phân thuỳ nền bên 9.
– Phân thuỳ nền sau 10.

2.3. Các mạch máu phổi

Thân động mạch phổi được phân chia thành hai nhánh đi vào mỗi phổi. Động mạch phổi trái ngắn hơn có hướng đi lên còn động mạch phổi phải nằm ngang hoặc đi xuống, vì vậy rốn phổi phải luôn thấp hơn rốn phổi trái.

Các động mạch phổi phân nhánh trong phổi đúng như sự phân chia phế quản, tận cùng bởi lưới mao mạch nằm trong vách liên phế nang rồi tập hợp lại thành mạng lưới tĩnh mạch nằm trong các vách liên tiểu thuỳ, cuối cùng tập trung thành 4 tĩnh mạch phổi đổ vào nhĩ trái. Ở thuỳ dưới, các động mạch phổi đi theo phương thẳng đứng còn các tĩnh mạch đi theo phương nằm ngang.

Áp lực thuỷ tĩnh làm cho mạch máu vùng thấp của phổi giãn hơn vùng cao của phổi vì vậy trên phim chụp ngực tư thế đứng, mạch máu ở đáy phổi to hơn và phong phú hơn đỉnh phổi.

Các động mạch dinh dưỡng của phế quản (được gọi là động mạch phế quản) là các động mạch nhỏ xuất phát từ động mạch chủ, chạy cùng và phân chia theo cây phế quản.

Trong tổ chức liên kết của phổi còn có mạng lưới mạch bạch huyết, chạy theo trục của tĩnh mạch đổ về các hạch rốn phổi.
Bình thường có thể nhìn thấy lưới mạch máu phổi ở cách thành ngực 1cm trên phim chụp với điện thế cao.

2.4. Nhu mô phổi

Đơn vị cấu trúc cơ bản của phổi là tiểu thuỳ thứ cấp. Mỗi tiểu thuỳ thứ cấp có thể tích 0,3-3 cm3, có cấu trúc hình tháp, bao gồm 1 phế quản tiểu thuỳ và các nhánh phân chia từ phế quản này, các mạch máu phổi và tổ chức liên kết bao quanh các cấu trúc mạch, phế quản, phế nang.

Trong mỗi tiểu thuỳ thứ cấp, các tiểu phế quản tiếp tục phân chia cuối cùng thành các tiểu phế quản tận và được tiếp nối bởi các tiểu phế quản hô hấp và tận cùng bằng các chùm phế nang. Mỗi chùm phế nang có đường kính khoảng 5mm. Các cấu trúc đi từ tiểu phế quản tận tới chùm phế nang tạo thành đơn vị chức năng của phổi, còn gọi là tiểu thuỳ sơ cấp. Trung bình có từ 3-6 chùm phế nang trong mỗi đơn vị tiểu thuỳ sơ cấp.

Các phế nang thông với nhau bởi các lỗ Kohn và thông với các nhánh phế quản khác (thường là với các nhánh trước tiểu phế quản tận) bởi các ống Lambert. Các đường thông này làm cho tổn thương phế nang có thể lan tràn trong các tiểu thuỳ và thuỳ phổi. Trong các trường hợp phế quản bị tắc nghẽn, các đường thông này giúp làm giảm thể tích phổi bị xẹp.

2.5. Cơ hoành

Bình thường có dạng một đường cong nhẵn, lồi lên trên, tiếp xúc với lồng ngực bởi một góc nhọn. Trên phim nghiêng, vòm hoành trái bị xoá ở một phần ba trước bởi bóng tim.

2.6. Thành ngực

Khi chẩn đoán trên một phim chụp phổi, luôn phải coi đó là một phim chụp lồng ngực vì ngoài phổi còn có các cấu trúc khác của thành ngực. Thành ngực được cấu tạo bởi các xương và các cấu trúc phần mềm (cơ, tổ chức liên kết, da).

2.7. Trung thất

Mặt bên của trung thất không bằng phẳng uốn khuôn theo các cấu trúc của trung thất và mặt trong của phổi. Sự tiếp giáp của nhu mô phổi với các cấu trúc của trung thất tạo thành các đường bờ có thể quan sát thấy trên phim chụp ngực (được gọi là các đường trung thất).

Bên phải có đường cạnh cột sống phải, đường cạnh thực quản.

Bên trái có đường cạnh cột sống trái, đường cạnh động mạch chủ.
ở giữa có thể thấy đường trung thất trước và trung thất sau là nơi tiếp giáp giữa màng phổi trái và phải.

Muốn thấy được các đường trung thất phải dùng kỹ thuật chụp phổi với điện thế cao, chất lượng phim đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Dựa vào sự đè đẩy, hoặc làm mờ hay không các đường trung thất có thể chẩn đoán được vị trí của các tổn thương trung thất.

3. PHÂN TÍCH PHIM X QUANG PHỔI CHUẨN

3.1. Phim thẳng

Phim phổi phải được phân tích trên đèn đọc phim, theo một qui trình phân tích chính xác. Chất lượng kỹ thuật phim đạt tiêu chuẩn về:

– Cường độ tia:
+ Nếu chụp theo quy ước: Thấy được 3 đốt sống ngực phía trên.
+ Phim chụp killôvôn cao và trung cao: Thấy toàn bộ cột sống ngực, độ đen của phim đúng đắn, cho phép thấy các vân phổi ở 1 cm tính từ thành ngực, thấy các mạch máu ở sau bóng tim và dưới vòm hoành.

– Phim thẳng được chụp ở tư thế cân đối: Đầu trong của xương đòn phải đối xứng qua gai sau của cột sống lưng, khớp ức đòn rộng cân đối hai bên.

– Phim được chụp lúc hít vào: Vòm hoành bên phải ngang với đầu trước xương sườn thứ sáu.

– Phim chụp ở tư thế đứng (thấy hình túi hơi dạ dày) và tia đi từ sau ra trước (xương bả vai được tách ra ngoài trường phổi).

– Đọc phim có thể theo tuần tự:
+ Xương và phần mềm ngoài phổi, phân tích cột sống xương sườn, xương bả vai, xương đòn, phần mềm ngoài phổi cần được đánh giá độ dày và bờ của nó.
+ Trung thất: Theo dõi những đường trung thất, đánh giá bóng tim, vị trí rốn phổi, xác định khí quản và phế quản gốc, tìm quai của tĩnh mạch đơn.
+ Quan sát dọc theo màng phổi thành, màng phổi hoành và màng phổi trung thất, tim, các rãnh liên thuỳ.
+ Phân tích nhu mô phổi sau cùng, tuần tự từ đỉnh phổi xuống đáy phổi, so sánh phổi phải với phổi trái, nghiên cứu mạch của phổi từ rốn phổi ra ngoại vi.

3.2. Phim nghiêng

Phân tích như phim thẳng, nhưng phải chú ý thêm:
– Xác định xem phim có đúng là nghiêng không.
– Xác định xem phim có được chụp vào lúc hít vào hay không, các cùng đồ sườn hoành sau phải thật rõ. Các vòm hoành ở phía trước phải nằm ngang cung trước của xương sườn thứ sáu.
– Phân tích xương.
– Xem hai vòm hoành, phải rõ nét và đều, bên phải được theo dõi từ sau ra trước, bên trái không rõ ở 1/3 trước (đoạn nối tiếp với bóng tim).
– Đánh giá hình dạng túi hơi dạ dày và bóng tim, nhận định những mạch máu lớn ở đáy, đặc biệt là quai động mạch chủ, các động mạch phổi.
– Phân tích nhu mô phổi, khoảng sáng sau ức, khoảng sáng sau tim và các đáy phổi, nhận định các rãnh liên thuỳ (sự khác nhau của những rãnh liên thuỳ lớn phải và trái được nhận định dựa vào chỗ nối tiếp với vòm hoành tương ứng từng bên).

3.3. Các bẫy trên phim X quang phổi

3.3.1. Các bẫy do kỹ thuật khám X quang

Nếu phim được chụp ở lúc thở ra, độ sáng của hai phế trường nói chung giảm đi, bóng tim có vẻ to ra.

Nếu phim không được chụp thật trực diện, độ sáng của phổi hai bên sẽ không bằng nhau, bóng của khối cơ cạnh cột sống chồng lên bên nào sẽ làm cho trường phổi bên đó mờ.

Mờ do di động hiếm thấy trên máy cho phép chụp với thời gian ngắn. Các máy chụp tại giường thường có công suất nhỏ nên thời gian chụp phải dài vì vậy chụp tại giường nhất là khi bệnh nhân không có khả năng cộng tác thì phim thu được rất dễ bị mờ do di động, giảm giá trị chẩn đoán.

Mờ một nửa phim là do để lệch lưới chống tán xạ. Trong trường hợp này một nửa lồng ngực sẽ bị mờ giống như phim chụp non tia.

3.3.2. Các bẫy do chồng hình của phần mềm.

Nếp nhăn của da, u ngoài da có thể tạo nên hình nhiễu. Bờ các hình này được thể hiện rõ trên phim khi nó nổi lên mặt da và có không khí xung quanh.

3.4. Phân tích các dấu hiệu

3. 4.1. Dấu hiệu bóng mờ

Trên các phim chụp thông thường nếu hai vùng có tỷ trọng dịch, nằm cạnh nhau trên cùng một mặt phẳng, tia trung tâm đi vào tiếp tuyến với bề mặt tiếp xúc, thì giới hạn giữa hai vùng bị xoá tại vị trí tiếp xúc. Trên thực tế tỷ trọng của hai tổ chức có thể ít khác biệt nhưng độ dầy của một tổ chức có thể bù lại khả năng hấp thụ, chính vì vậy lớp mỡ của góc tâm hoành có thể xoá bờ của tim khi lớp mỡ đủ dầy. Dựa vào dấu hiệu này, có thể chẩn đoán được vị trí nông, sâu của một khối trên phim chụp thẳng. Trên phim chụp nghiêng, phía trước của cơ hoành trái bị xoá do tiếp xúc với bóng tim.

3.4.2. Dấu hiệu cổ – ngực

Phần trên của lồng ngực chếch xuống dưới và ra trước, đỉnh phổi tiếp giáp với các xương sườn rất cao ở phía sau so với phía trước. Ở vị trí trên xương đòn, chỉ có các cấu trúc nằm ở trung thất sau hoặc ở đỉnh phổi mới tiếp xúc với nhu mô phổi nên thấy được bờ ngoài của tổn thương trên phim chụp ngực thẳng. Ngược lại, khi một khối ở trung thất trước kéo dài lên trên xương đòn thì bờ ngoài không tiếp xúc với nhu mô phổi mà tiếp xúc với các phần mềm của cổ nên bờ ngoài của tổn thương phía trên xương đòn bị xoá mất.

3.4.3. Dấu hiệu hội tụ rốn phổi

Một hình mờ rốn phổi có thể có nguồn gốc mạch máu (giãn động mạch phổi) hay một khối u (hạch, u rốn phổi, u trung thất). Dấu hiệu hội tụ rốn phổi cho phép ta khẳng định nguồn gốc mạch máu của khối. Khi mạng lưới động mạch ngoại vi hội tụ về phía hình mờ và mất đi ranh giới của chúng ở phía bờ ngoài của hình mờ hoặc ở khoảng cách dưới 1 cm từ bờ ngoài của hình mờ thì nó có nguồn gốc động mạch phổi. Ngược lại hệ thống mạch vẫn còn nhìn thấy được ở phía trong bờ ngoài của hình mờ có nghĩa là có khối u ở vị trí rốn phổi. Bằng chụp cắt lớp có tiêm thuốc cản quang, việc phân biệt một cấu trúc không phải mạch máu với mạch máu giãn dễ dàng hơn.

3.4.4. Dấu hiệu che phủ rốn phổi

Dấu hiệu này cho phép ta phân biệt được giữa một khối u trung thất trước hoặc trung thất giữa với hình ảnh tim to, tràn dịch màng ngoài tim. Bình thường, động mạch phổi trái hoặc điểm hội tụ của hai nhánh đầu tiên thường tương ứng với bờ ngoài trung thất, hoặc tối đa ở 1 cm phía trong bờ này. Nếu hình động mạch phổi còn nhìn thấy ở quá 1cm trong bờ trung thất cần cảnh giác có thể có một u trung thất. Ngược lại hình các mạch máu dừng lại cách xa bờ trung thất thì có khả năng có biểu hiện tim to hay tràn dịch màng ngoài tim (dấu hiệu rốn phổi bị đè). Bên phải cũng có những biểu hiện tương tự. Nên chú ý là tư thế chụp phải thực sự ở tư thế thẳng.

Các dấu hiệu này mất dần giá trị khi có CT scanner và siêu âm tim mạch nhưng dù sao vẫn có giá trị giúp ta hướng tới các kỹ thuật cần thiết phải làm tiếp theo.

3.4.5. Dấu hiệu khối băng trôi hay dấu hiệu ngực – bụng

Khi một khối u trung thất dưới, cạnh cột sống có bờ ngoài đi chếch ra ngoài và cắt ngang cơ hoành thì có nghĩa là nó vừa nằm ở lồng ngực vừa nằm trong ổ bụng. Đây cũng là một biểu hiện của dấu hiệu bóng mờ. Bờ ngoài của khối ở phần bụng không quan sát thấy vì tiếp xúc với các cấu trúc phần mềm có cùng mật độ cản quang trong khi ở phần ngực, bờ ngoài của khối được thể hiện rõ do tiếp xúc với không khí.

Nếu bờ ngoài phía thấp của khối trở lại tiến sát vào cột sống và vẫn nhìn rõ thì đó là khối chỉ ở trong lồng ngực.

Dấu hiệu này có ý nghĩa trong đánh giá sự lan rộng dọc theo cạnh cột sống của khối u, của khối máu tụ, của các ổ nhiễm trùng, hoặc sự phát triển của hạch về phía ổ bụng qua khoang sau trung thất dưới. Chụp cắt lớp vi tính đánh giá tốt sự lan rộng này, nhìn rõ phần chìm của khối băng trôi (phần khối nằm dưới cơ hoành).

3.4.6. Dấu hiệu co kéo thực quản

Khi có một khối trong trung thất giữa lệch rõ sang phải hay trái, không gây đè đẩy mà gây co kéo thực quản về phía u thì đó có thể là một khối phát triển ở thành thực quản (u lành, thực quản đôi…).

3.4.7. Dấu hiệu Golden hay dấu hiệu chữ S ngược

Thông thường một hình xẹp phổi do bít tắc là hình co kéo mà giới hạn các bờ thường lõm về phía trung tâm xẹp phổi. Trường hợp xẹp phổi do khối u gây tắc phế quản có thể thấy trên phim chụp thông thường hay trên chụp cắt lớp vi tính Dấu hiệu chữ S đảo ngược: Một phần bờ phía trong của xẹp phổi lồi ra ngoài do u, trong khi phần phía ngoài vẫn lõm do phổi xẹp vẽ nên hình chữ S đảo ngược. Dấu hiệu này thể hiện có một u hay hạch ở rốn phổi. Khi ta vẽ giới hạn của khối này ta có thể đo được kích thước của khối gây xẹp phổi.

3.4.8. Dấu hiệu hình phế quản – phế nang chứa khí

Khi các phế nang bị lấp đầy bởi dịch hoặc tổ chức đặc vây quanh phế quản chứa không khí, trong vùng đậm của nhu mô phổi trên phim có thể nhìn thấy hình phế quản chứa khí biểu hiện bằng đường sáng nằm giữa bóng mờ của hội chứng phế nang. Dấu hiệu này cho phép khẳng định hình đậm đó thuộc phổi chứ không phải thuộc màng phổi hay thành ngực. Ta có thể thấy dấu hiệu này trên các phim chụp thông thường, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ. Tuỳ theo mức độ tổn thương, ta có thể quan sát thấy hình khí ở phế quản hay tới tận phế nang mà dấu hiệu này được gọi là hình phế quản khí hay hình phế nang khí.

Post Comment